Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Mỹ lần đầu điện đàm sau hơn 1 năm
(Dân trí) - Hai nhà lãnh đạo bộ Quốc phòng của Nga và Mỹ lần đầu điện đàm sau hơn 1 năm, trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước đang leo thang.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Nga đã trao đổi qua điện thoại vào ngày 25/6, lần đầu tiên sau hơn một năm. Đây cũng là lần đầu tiên mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trao đổi với ông Andrei Belousov, người nhậm chức bộ trưởng Quốc phòng Nga hồi tháng 5.
Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Austin và Bộ trưởng Belousov đã thảo luận về tầm quan trọng của các đường dây liên lạc mở giữa các bên.
Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Không quân Patrick Ryder, ông Austin là người khởi xướng cuộc trao đổi. Lần cuối cùng ông trao đổi với một bộ trưởng quốc phòng Nga là vào tháng 3/2023, khi đó là ông Sergei Shoigu.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ông Belousov đã cảnh báo ông Austin về sự nguy hiểm của việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài 28 tháng với Moscow.
"Ông Belousov chỉ ra nguy cơ leo thang căng thẳng hơn nữa thông qua việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Ukraine", thông báo viết.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến mối quan hệ giữa Moscow và Washington rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Trong chỉ trích mới nhất, Moscow cuối tuần trước cáo buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công của Ukraine vào bán đảo Crimea bằng 5 tên lửa do Washington cung cấp, khiến 4 người thiệt mạng.
Mỹ nối lại hoạt động cung cấp vũ khí cho Ukraine vào tháng 4 sau khi quốc hội thông qua gói viện trợ 61 tỷ USD. Mỹ cho biết họ ủng hộ đề xuất hòa bình của Kiev, bao gồm việc quân đội Nga rời khỏi Ukraine và khôi phục biên giới hậu Xô viết của đất nước này.
Trong khi đó, Nga tuyên bố không loại vũ khí nào trong kho vũ khí của phương Tây có thể giúp Ukraine thay đổi đáng kể tình hình trên thực địa. Nga cũng cảnh báo quyết định của phương Tây gửi thêm lô vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc đối đầu quân sự, gây ra nhiều thương vong và tàn phá hơn.