Binh sĩ Ukraine chật vật đối phó Nga trong lúc chờ xe tăng phương Tây
(Dân trí) - Một chỉ huy trên thực địa của Ukraine thừa nhận tình hình rất khó khăn khi họ vừa chờ đợi xe tăng phương Tây, vừa phải điều khiển những phương tiện bọc thép cũ kỹ có tuổi đời hàng chục năm.
Tháng trước, Mỹ và đồng minh đã đưa ra quyết định có tính bước ngoặt trong chiến sự Nga - Ukraine: Viện trợ cho Kiev xe tăng chiến đấu chủ lực. Các vũ khí này được kỳ vọng có thể làm xoay chuyển cục diện chiến trường, giúp Ukraine có được đà phản công.
Tuy nhiên, quá trình đào tạo, chuyển giao, hậu cần vẫn đang diễn ra rất phức tạp, và quân đội Ukraine vẫn buộc phải sử dụng các xe tăng cũ kỹ từ thời Liên Xô. Các binh sĩ điều khiển xe tăng nước này nhiều lần phàn nàn về việc thiết bị dễ bị hỏng hóc và trục trặc thường xuyên.
Một chỉ huy lực lượng xe tăng của Ukraine trên thực địa tên là Igor nói với tờ El Pais của Tây Ban Nha rằng, T-64 của mà anh đang vận hành lớn tuổi gấp đôi quân nhân này. Thêm vào đó, chiếc xe tăng thường xuyên bị trục trặc.
Igor cho biết, các vấn đề kỹ thuật đã làm hạn chế nghiêm trọng các hoạt động chiến đấu của Ukraine. Ví dụ, các đơn vị xe tăng của Kiev bị buộc phải nhiều lần rời khỏi chiến trường thay vì tấn công các vị trí của Nga do bánh xe tăng trục trặc và súng liên tục bị kẹt.
"Xe tăng của tôi đã hơn 50 tuổi. Nó gấp đôi tuổi tôi. Tôi đang đợi xe tăng Leopard của Đức đến để tôi có thể chuyển sang một phương tiện đáng tin cậy," anh nói.
Những thách thức
Bên cạnh xe tăng Leopard-2, quân đội Ukraine cũng chuẩn bị nhận xe tăng Abrams và xe tăng Challenger-2 từ Mỹ và Anh. Tuy nhiên, sự trông đợi của Igor và các đồng đội có thể sẽ không sớm xảy ra.
Truyền thông phương Tây nói rằng châu Âu, khu vực mà các nước đang triển khai 2.000 xe tăng Leopard do Đức sản xuất, có thể sẽ không thể chuyển cho Ukraine đủ 2 tiểu đoàn xe tăng.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuần trước thừa nhận, phương Tây đang gặp rắc rối trong việc tập hợp hai tiểu đoàn xe tăng Leopard 2 để chuyển giao cho Ukraine như đã hứa vào cuối tháng 1.
Ông Pistorius nói, Đức và Bồ Đào Nha là hai quốc gia duy nhất đồng ý triển khai biến thể A6 của xe tăng Leopard 2, bao gồm 14 chiếc từ Berlin và 3 chiếc từ Lisbon. Số xe tăng như vậy không đủ để lập thành một tiểu đoàn (theo tiêu chuẩn của quân đội Ukraine là 31 xe).
Trong khi đó, Ba Lan đã tập hợp được 30 chiếc Leopard 2 loại A4. Tuy nhiên, nhiều chiếc đang trong tình trạng hỏng hóc và cần sửa chữa trước khi có thể sử dụng. Điều này về cơ bản có nghĩa là chúng sẽ được chuyển đến Ukraine vào ít nhất tháng 4.
Ban đầu, Đức ước tính, sẽ có khoảng 80 chiếc Leopard 2 được đưa tới Ukraine. Tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh. Berlin không nêu rõ quốc gia nào rút lại cam kết viện trợ, hoặc chưa sẵn sàng để cấp xe tăng chủ lực cho Ukraine. Truyền thông Đức nói rằng, Đan Mạch và Hà Lan dường như nói rằng họ sẽ không đưa xe tăng ở Ukraine.
Theo các chuyên gia quân sự, xe tăng phương Tây là vũ khí uy lực nhưng nếu chỉ có một số lượng nhỏ thì sẽ không đủ để tạo nên sự khác biệt trong cuộc chiến với Nga, khi Moscow đang tăng cường tác chiến trên mặt đất. Thậm chí, việc gửi xe tăng nhiều loại với số lượng ít còn có thể tạo ra cơn ác mộng hậu cần cho Ukraine vì mỗi loại là họ sẽ cần phải được đào tạo từ điều khiển tới sửa chữa, chưa kể tới vấn đề linh kiện thay thế và cả đạn dược.