1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Belarus: Nga đã làm nguội những cái đầu nóng ở phương Tây

Đức Hoàng

(Dân trí) - Belarus đã bình luận về việc Nga thay đổi học thuyết hạt nhân, cho rằng đây là động thái đã kiềm chế xung đột ở Ukraine leo thang hơn nữa.

Belarus: Nga đã làm nguội những cái đầu nóng ở phương Tây - 1

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (Ảnh: New York Times).

Nga đã đưa ra quyết định đúng đắn khi sửa đổi học thuyết hạt nhân của mình vì nó ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của cuộc xung đột Ukraine do phương Tây gây ra, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết.

Vào cuối tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất rằng chiến lược hạt nhân của nước này nên được thay đổi để hành vi tấn công Nga và đồng minh thân cận Belarus "bởi bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân", là một "cuộc tấn công chung", có thể dẫn tới đáp trả bằng vũ khí nguyên tử. 

Điện Kremlin tuyên bố vài ngày sau đó rằng phiên bản mới của học thuyết đã được hoàn thiện và đang trải qua các thủ tục cần thiết để trở thành luật.

"Học thuyết này đáng lẽ phải được cập nhật từ lâu rồi", ông Lukashenko nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh Russia 2 vào ngày 13/10.

Theo nhà lãnh đạo Belarus, ông và ông Putin đã thảo luận về khả năng này từ 5  năm trước. "Do đó, đối với tôi, đây không phải là điều mới mẻ", ông nói thêm.

Khi được hỏi rằng liệu động thái này có làm nguội những cái đầu nóng ở phương Tây hay chưa, ông Lukashenko cho biết: "Nếu những cái đầu nóng không cảm nhận thấy thông điệp, chúng ta, đặc biệt là Nga, đã bị tên lửa tầm xa bắn phá bắn vào rồi. Nhưng việc thay đổi học thuyết hạt nhân làm họ nguội đi", ông nói.

Nhà lãnh đạo Belarus nhắc đến những đề nghị liên tục từ Kiev đối với phương Tây nhằm cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa được viện trợ như ATACMS của Mỹ, Storm Shadows của Anh và SCALP của Pháp.

Các nước phương Tây tới nay vẫn chưa đồng ý với đề nghị này, cho rằng nó sẽ gây ra rủi ro làm căng thẳng leo thang vượt mức kiểm soát.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã cảnh báo rằng nếu phương Tây quyết định cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga thì những cảnh báo của ông Putin sẽ thành hiện thực.

Ông Putin trước đó đã nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy sẽ bị Moscow coi là do NATO trực tiếp phát động. Ông cũng cảnh báo rằng Nga có thể trang bị cho đối thủ của phương Tây những loại vũ khí tương tự để đáp trả.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine