1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Những lá phiếu sớm nói lên điều gì?

(Dân trí) - Trước ngày bầu cử chính thức 8/11, đã có hơn 37 triệu cử tri trên 38 bang nước Mỹ đi bỏ phiếu sớm tính tới ngày 4/11, trong đó khoảng một nửa là đến từ các bang còn do dự. Giới quan sát cho rằng từ những con số này có thể dự đoán phần nào kết quả của cuộc bầu cử năm nay.


Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm tại Charlotte, North Carolina (Ảnh: Reuters)

Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm tại Charlotte, North Carolina (Ảnh: Reuters)

Cạnh tranh khốc liệt

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận được cập nhật liên tục cho thấy khoảng cách dẫn trước của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump đang bị thu hẹp (bà Clinton dẫn trước khoảng 3 đến 4 điểm). Và trong quãng thời gian cạnh tranh khốc liệt này, cả bà Clinton và ông Trump không ngừng vận động những người ủng hộ giúp họ vượt lên dẫn đầu.

Theo CNN, khoảng 7,4 triệu người ủng hộ đảng Dân chủ và 6,4 triệu người ủng hộ đảng Cộng hòa đăng ký bầu cử sớm. Giới phân tích cho rằng số lượng cử tri đảng Dân chủ đi bỏ phiếu sớm nhiều hơn so với số cử tri đảng Cộng hòa mang lại lợi thế cho bà Clinton.

Ông Donald củng cố được vị thế của mình tại các bang truyền thống, trong đó có Texas - bang chứng kiến sự hào hứng đặc biệt của các cử tri đi bỏ phiếu sớm. Nhưng ông đang gặp khó khăn ở Bắc Carolina, Georgia, Arizona, Virginia, Florida…

Bà Clinton được khích lệ trong các cuộc bỏ phiếu sớm ở những bang do dự như Nevada, Virgina, Colorado, Arizona, Florida… Nhiều lá phiếu ủng hộ bà Clinton đến từ những người theo chủ nghĩa tự do da trắng duy tâm, những phụ nữ trẻ và người Mỹ gốc Phi. Đa số cử tri Mỹ gốc Latinh cũng ủng hộ bà và số lượng cử tri đủ tư cách của nhóm này lên tới 27,3 triệu người.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng luật bầu cử ở 50 bang khác nhau nên có thể sẽ tạo lợi thế cho ông Trump. Ví dụ về quy định đăng ký bầu cử, trong khi bang Bắc Dakota đầy hy vọng của đảng Cộng hòa không yêu cầu cử tri đăng ký đi bầu, thì tại bang Bắc Carolina hạn đăng ký đã hết từ nửa tháng trước.

Lợi thế đang nghiêng về bà Clinton

Việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hôm 1/11 quyết định lật lại điều tra vụ thư điện tử cá nhân của bà Clinton tưởng chừng như đòn giáng nặng nề đến mọi nỗ lực của phe bà Clinton. Nhưng cuộc điều tra của CBS/New York Times cho thấy vụ việc này dường như không ảnh hưởng nhiều tới quyết định bỏ phiếu của cử tri.

Vào thời điểm ngay sau khi FBI công bố quyết định điều tra, kết quả thăm dò có lúc cho thấy số lượng những người ủng hộ bà Clinton giảm từ 51% xuống còn 43%, trong khi số lượng người ủng hộ ông Trump ở mức 53%. Tuy nhiên, hãng tin AFP dẫn lời Giáo sư Michael McDonald của Đại học Florida cho rằng ít có khả năng vì những tác động kiểu này mà các cử tri đi bỏ phiếu sớm thay đổi quyết định của mình: “Họ đã có được những thông tin cần thiết về ứng cử viên, và quan trọng là họ đã quyết định”.

Theo tính toán của CNN, qua những lá phiếu bầu sớm, bà Clinton có thể đã thu được 272 phiếu đại cử tri, ông Trump là 179 phiếu. Vẫn còn 87 phiếu của các bang còn do dự.

Còn theo tính toán đưa ra trước bầu cử 6 ngày, hãng phân tích Moody’s Analytics cho rằng trung cuộc, bà Clinton sẽ giành được 332 phiếu đại cử tri trong khi của ông Trump là 206 phiếu (ứng cử viên cần giành tối thiểu 270 phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống).

Những yếu tố thuận lợi để bà Clinton có thể giành chiến thắng là giá khí đốt thấp và tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Barack Obama cao.

Moody’s Analytics từng dự đoán chính xác kết quả của 9 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây.

Trong khi đó, tờ New York Times tổng kết các kết quả điều tra dư luận và nhận định rằng ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Hillary Clinton đang chiếm ưu thế tại hầu hết các bang còn do dự.

Theo ông McDonald, những tín hiệu này có thể “báo trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của ông Trump”.

Trong khi đó, Giáo sư chính trị Barry Burden thuộc Đại học Wisconsin-Madison cho rằng bà Clinton cũng có những bất lợi: “Điều đáng lo ngại với bà Clinton là tỷ lệ các cử tri da màu và trẻ tuổi đi bỏ phiếu sớm không nhiều. Họ là những nhóm cử tri quan trọng từng góp phần làm nên hai chiến thắng của ông Obama”.

Một số nhà phân tích kinh tế cũng không loại trừ tác động của tính “bất thường” của cuộc bầu cử lần này, đó là cử tri có thể phản ứng trước tình hình kinh tế-chính trị hiện nay và phản ứng ngược với những gì họ đã làm với vòng bầu cử trước.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã tiến hành một chiến dịch tranh cử khác thường và rõ ràng đã liên tục thay đổi “chiến thuật”. Dù vậy, suốt nhiều tháng qua, bà Clinton vẫn dẫn trước ông về số người ủng hộ với một khoảng cách ổn định (từ 4-6%) trong các cuộc thăm dò dư luận.

CNN nhận định chiến thắng có thể thuộc về ứng cử viên đảng Dân chủ, “nhưng đó không phải là chiến thắng áp đảo”.

Nếu những phán đoán và tính toán trên chính xác, bà Clinton sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ. Phe Dân chủ đang hy vọng đây cũng sẽ là lần đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử năm 1988 mới lại có một đảng giành chiến thắng thứ ba liên tiếp trong các cuộc bầu cử tổng thống.

Thăm dò ý kiến Bạn dự đoán ứng viên nào sẽ thắng cử Tổng thống Mỹ?
Donald Trump Hillary Clinton
Bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Những lá phiếu sớm nói lên điều gì? - 2
Bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Những lá phiếu sớm nói lên điều gì? - 3

Tuệ An

Tổng hợp