1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cựu đối thủ của bà Clinton giải mã “cơn địa chấn Donald Trump”

(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đúng: Người Mỹ muốn sự thay đổi. Ông Trump đã chiến thắng vì chiến dịch của ông ấy đã thành công trong việc xoáy sâu vào sự giận dữ có lý và rất thực tế, một sự giận dữ mà nhiều người Dân chủ cũng cảm nhận được.


Ông Sanders (phải) từng ủng hộ mạnh mẽ bà Clinton trong cuộc đua với ông Trump (Ảnh: TheTVPage)

Ông Sanders (phải) từng ủng hộ mạnh mẽ bà Clinton trong cuộc đua với ông Trump (Ảnh: TheTVPage)

Đó là nhận định của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cựu đối thủ của bà Clinton trong cuộc đua giành tấm vé ứng cử tổng thống của đảng Dân chủ, trong bài viết trên tờ New York Times xung quanh cuộc bầu cử tổng thống 2016 và tương lai của nước Mỹ hậu bầu cử. Dưới đây là bản dịch bài viết của ông.

Cơn giận dữ của người lao động

Hàng triệu người Mỹ đã bỏ lá phiếu phản đối hôm 8/11, bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với hệ một thống chính trị và kinh tế vốn đặt lợi ích của các tập đoàn và người giàu lên trên lợi ích của họ. Tôi đã ủng hộ mạnh mẽ Hillary Clinton, vận động tích cực cho bà ấy và tin rằng bà ấy là lựa chọn đúng đắn trong ngày bầu cử. Nhưng Donald Trump đã chiến thắng vì chiến dịch của ông ấy đã thành công trong việc xoáy sâu vào sự giận dữ có lý và rất thực tế, một sự giận dữ mà nhiều người Dân chủ truyền thống cũng cảm nhận được.

Tôi đã buồn, nhưng không bất ngờ, trước kết quả bầu cử. Tôi không sốc khi hàng triệu người bỏ phiếu cho ông Trump vì họ cảm thấy mệt mỏi và buồn chán vì thực trạng kinh tế, chính trị, truyền thông của nước Mỹ.

Các gia đình lao động nhìn thấy các chính trị gia nhận hỗ trợ tài chính từ các tỷ phú và các tập đoàn và do đó phớt lờ nhu cầu của những người Mỹ bình thường. Trong hơn 30 năm qua, nhiều người Mỹ đã bị sa thải bởi các ông chủ tập đoàn. Họ làm việc nhiều giờ hơn nhưng nhận đồng lương ít hơn, khi họ nhìn thấy các việc làm tốt rời tới Trung Quốc, Mexico và một số quốc gia lương thấp khác. Họ mệt mỏi khi có các giám đốc điều hành kiếm lợi gấp 300 lần họ, khi 52% tổng thu nhập mới thuộc về 1% dân số giàu nhất. Nhiều thị trấn nông thôn tươi đẹp trước kia đã bị giảm dân số, các cửa hàng ở trung tâm bị đóng và con cái họ rời nhà vì không có việc làm, trong khi các tập đoàn mang đi sự giàu có khỏi các cộng đồng và đặt trong các tài khoản ở nước ngoài.

Người lao động Mỹ không thể chi trả cho việc chăm sóc trẻ em chất lượng và đắt đỏ cho con cái họ. Họ không thể cho con đi học đại học và không có gì trong ngân hàng khi đến tuổi về hưu. Tại nhiều khu vực của nước Mỹ, họ không thể tìm thấy nhà ở có giá hợp lý và họ thấy chi phí bảo hiểm y tế quá cao. Nhiều gia đình đã tồn tại trong sự tuyệt vọng, trong khi ma túy, rượu và các vụ tự tử khiến số người tử vong gia tăng.

Tổng thống đắc cử Trump đã đúng: Người Mỹ muốn sự thay đổi. Nhưng ông ấy sẽ mang tới sự thay đổi như thế nào? Liệu ông ấy có đủ dũng cảm để đương đầu những người quyền lực nhất tại đất nước này, những người chịu trách nhiệm về khó khăn kinh tế mà nhiều gia đình lao động gánh chịu, hay liệu ông ấy sẽ kích động sự giận dữ của đám đông đối với cộng đồng thiểu số, người di cư, người nghèo và vô gia cư?

Liệu ông ấy có đủ dũng cảm để đương đầu với Phố Wall, hành động để phá vỡ các tổ chức tài chính khổng lồ và yêu cầu các ngân hàng lớn đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và tạo việc làm ở các vùng nông thôn và thành phố? Hay, liệu ông ấy sẽ bổ nhiệm một giám đốc ngân hàng Phố Wall khác để tiếp tục lãnh đạo Bộ Tài chính và tiếp tục các hoạt động như bình thường? Liệu ông ấy, như đã hứa trong chiến dịch tranh cử, có thực sự hành động đối với ngành dược và hạ giá thuốc?

Tôi rất đau buồn khi nghe được các câu chuyện người Mỹ đang bị đe dọa và quấy rối sau chiến thắng của ông Trump, và tôi nghe thấy tiếng khóc của các gia đình đang sống trong sợ hãi về sự chia lìa. Chúng ta đã đạt được thành công với tư cách một cuộc quốc gia chiến đấu với nạn phân biệt đối xử. Chúng ta sẽ không quay trở lại. Mọi người hãy yên tâm, không có sự thỏa hiệp về phân biệt chủng tộc, sự cố chấp, bài ngoại, và phân biệt giới tính. Chúng ta sẽ chiến đấu với nó bằng mọi hình thức, bất kể khi nào, bất kể nơi nào nó xuất hiện.

Phải là đảng của những người lao động, người già và người nghèo

Tôi sẽ cởi mở để chờ xem ông Trump đưa ra các ý tưởng nào, khi nào và bằng cách nào để chúng ta có thể hợp tác cùng nhau. Bị thua về phiếu phổ thông trên toàn quốc nhưng ông Trump vẫn có thể làm tốt để thúc đẩy các quan điểm tiến bộ. Nếu Tổng thống đắc cử cam kết theo đuổi các chính sách giúp cải thiện cuộc sống của các gia đình lao động, tôi sẽ tạo một số cơ hội rất thực tế để ông ấy có được sự ủng hộ của tôi.

Hãy tái xây dựng cơ sở hạ tầng đang suy yếu của chúng ta và tạo hàng triệu việc làm được trả lương tốt. Hãy tăng lương tối thiểu tới mức lương có thể đủ sống, giúp các sinh viên có thể đi học, cho phép nghỉ ốm, nghỉ nghỉ việc vì lý do gia cảnh có lương và gia tăng an ninh xã hội. Hãy cải cách hệ thống kinh tế vốn cho phép các tỷ phú như ông Trump không trả một xu tiền thuế thu nhập liên bang. Và quan trọng nhất, hãy chấm dứt khả năng các nhà tài trợ giàu cho chiến dịch tranh cử mua bầu cử.

Trong những ngày tới, tôi cũng sẽ đưa ra một loạt các kế hoạch cải cách để củng cố lại đảng Dân chủ. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng đảng phải chia tay mối quan hệ với các tập đoàn và một lần nữa trở thành đảng của những người lao động, người già và người nghèo. Chúng ta phải mở cánh cửa của đảng để chào đón hệ tư tưởng và năng lượng của những người trẻ và tất cả người Mỹ đang chiến đấu cho sự bình đẳng về kinh tế, xã hội, chủng tộc và môi trường. Chúng ta phải dũng cảm để đương đầu với sự ham danh lợi và quyền lực của Phố Wall, các công ty dược, các công ty bảo hiểm và ngành công nghiệp nhiên liệu than đá.

Khi chiến dịch tranh cử tổng thống của tôi kết thúc, tôi đã cam kết với những người ủng hộ rằng cuộc cách mạnh chính trị sẽ tiếp tục. Và giờ đây, hơn bao giờ hết, điều đó phải xảy ra. Chúng ta là quốc gia giàu có nhất trong lịch sử thế giới. Khi chúng ta đứng bên nhau và đừng để những người mị dân chia rẽ chúng ta bằng chủng tộc, giới tính hay nguồn gốc, không có gì là chúng ta không hoàn thành. Chúng ta phải tiến lên phía trước, chứ không thể thụt lùi!

An Bình

Theo New York Times