Báo Mỹ: Siêu tăng T-14 Armata Nga là "hổ giấy", chưa thể ra trận ở Ukraine
(Dân trí) - Siêu xe tăng T-14 Armata của Nga, thường được coi là có bước nhảy vọt về chất, đã gặp phải những bất lợi khiến người ta nghi ngờ về khả năng triển khai và chiến đấu của nó ở Ukraine.
Ông Sergey Chemezov - Tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp quốc doanh Rostec của Nga - nhấn mạnh, chi phí quá cao của xe tăng T-14 Armata là yếu tố chính cản trở việc sản xuất và triển khai rộng rãi loại xe này, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột Ukraine.
Với chưa tới 50 chiếc được sản xuất so với mục tiêu ban đầu là 2.300 chiếc và giữa lúc có những tuyên bố chưa được xác minh về việc triển khai chiến đấu, tương lai của T-14 dường như không chắc chắn.
Mặc dù có thiết kế và tính năng tiên tiến, chẳng hạn như tháp pháo không người lái và tăng cường an toàn cho kíp xe, hiệu quả hoạt động của nó vẫn chỉ là giả thuyết.
Quyết định ưu tiên các lựa chọn thay thế hiệu quả hơn về mặt chi phí như xe tăng T-90 đã nêu bật chiến lược trong mua sắm quốc phòng của Nga vốn bị ảnh hưởng bởi những hạn chế tài chính và tính thực tiễn của chiến tranh hiện đại. Sự phát triển này phản ánh những thách thức lớn hơn trong lĩnh vực quốc phòng của Nga, cân bằng tham vọng với tính khả thi.
T-14 Armata của quân đội Nga được Điện Kremlin đánh giá là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) tiên tiến nhất được chế tạo cho đến nay. Tuy nhiên, bất chấp sự cường điệu hóa, có vẻ như Moscow chưa thực sự đặt niềm tin vào nền tảng này, có thể là do nó quá đắt, đến mức quân đội Nga không đủ khả năng để chấp nhận bất kỳ tổn thất nào trong chiến đấu.
Trước đó, ông Chemezov, nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti hôm 3/3 rằng, T-14 Armata sẽ không được triển khai tới Ukraine, do chi phí cao hạn chế việc sản xuất chúng ở quy mô lớn.
Ông nói: "Nhìn chung, Armata hơi đắt tiền. Về mặt chức năng, tất nhiên nó vượt trội hơn nhiều so với các xe tăng hiện có, nhưng nó quá quý giá nên quân đội hiện tại khó có thể sử dụng nó. Việc mua những chiếc T-90 tương tự sẽ dễ dàng hơn ".
Người đứng đầu Rostec cũng đề xuất Điện Kremlin cần tăng cường đầu tư cho các khí tài quân sự khác.
Ông nói thêm: "Bây giờ chúng tôi cần tiền để tạo ra xe tăng mới, vũ khí mới, có thể là những loại rẻ hơn. Vì vậy, nếu có cơ hội mua những chiếc rẻ hơn thì tại sao không".
Siêu tăng T-14 Armata: Không thể tới Ukraine
Theo tạp chí National Interest của Mỹ, quân đội Nga ban đầu có kế hoạch mua tới 2.300 chiếc T-14 trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2020, nhưng cho đến nay chỉ có chưa đến 50 chiếc được sản xuất.
Theo thông tin của Defense Blog, mặc dù truyền thông Nga trước đó tuyên bố rằng T-14 đã được triển khai trong các hoạt động chiến đấu ở Ukraine vào năm ngoái nhưng không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh cho những tuyên bố đó. Điều đó chỉ làm dấy lên nghi ngờ về khả năng của dòng chiến tăng này cũng như niềm tin của Điện Kremlin đối với Armata.
Cũng khó có khả năng bất kỳ chiếc T-14 nào sẽ được gửi ra tiền tuyến, ngay cả khi một số đơn vị đang tham gia chiến đấu được cho là đã được trang bị nền tảng tiên tiến.
"Tập đoàn xe tăng cận vệ số 1 dự kiến nhận T-14 Armata vào năm 2021, tuy nhiên, rất khó có khả năng bất kỳ đơn vị tiền tuyến nào đã nhận được chúng. Dòng xe tăng thế hệ tiếp theo đã được ghi nhận là đang tiến hành các cuộc tập trận huấn luyện ở miền nam nước Nga vào tháng 12/2022 và các cơ quan thông tấn của Điện Kremlin tuyên bố rằng nó sẽ được sử dụng ở Ukraine", Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo hôm 5/3.
"Cho đến nay, gần như chắc chắn rằng T-14 Armata vẫn chưa được triển khai tới Ukraine. Điều này rất có thể là do tiềm ẩn nguy cơ tổn hại về mặt danh tiếng khi mất đi phương tiện "uy tín" trong chiến đấu và yêu cầu sản xuất số lượng xe tăng chiến đấu chủ lực lớn hơn, điều này chỉ có thể được thỏa mãn bởi các biến thể khác", Bộ Quốc phòng Anh nói thêm.
Theo số liệu từ Kiev, Nga có thể đã mất tới 6.648 xe tăng kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022. Tổn thất chưa được xác minh độc lập, nhưng các ước tính của phương Tây vẫn cho rằng số lượng xe tăng của Nga đã mất lên tới hàng nghìn chiếc, hoặc bị phá hủy, vô hiệu hóa hoặc bị bắt.
Sự cường điệu về siêu xe tăng?
Lần đầu tiên được trình diễn trong Cuộc duyệt binh Chiến thắng vào tháng 5/2015, T-14 Armata được chú ý vì có thiết kế hiện đại, trái ngược với các xe tăng Nga và Liên Xô trước đây. Hình dáng bề ngoài, từ thân đến tháp pháo dài và hình hộp của nó gần giống với thiết kế tháp pháo xe tăng phương Tây hơn.
Trong số các tính năng được quảng bá nhiều là tháp pháo không người lái, bao gồm pháo chính nòng trơn 125mm 2A82-1M được điều khiển từ xa với cơ cấu nạp đạn hoàn toàn tự động. Ngoài ra, người lái, pháo thủ và trưởng xe được bố trí ở khoang lái nằm trong khoang bọc thép tại phần trước của thân xe, cách ly với bộ nạp đạn tự động cũng như kho chứa đạn ở giữa xe tăng.
Armata còn có trọng tâm thấp nhằm giảm khả năng tiếp xúc với hỏa lực của đối phương, tăng cường sự an toàn và khả năng sống sót của kíp xe 3 người.
Cũng có thể lập luận rằng không có loại vũ khí nào được quảng cáo rầm rộ như T-14, chỉ có điều nó không thể đáp ứng được yêu cầu. Điều đó đáng lẽ phải rõ ràng khi nó xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2015, vì chiếc xe tăng này đã không thể suôn sẻ băng qua Quảng trường Đỏ sau khi bị hỏng trong buổi diễn tập duyệt binh và cần phải được kéo đi để sửa chữa. Chỉ 5 năm sau, có thông tin cho rằng 3 chiếc T-14 đã bị trúng vũ khí chống tăng ở Syria, trong đó một chiếc bị phá hủy hoàn toàn.
Đến năm 2024, rõ ràng là T-14 vẫn chưa bao giờ được triển khai tới Ukraine.