1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phòng không Ukraine "đòi lại bầu trời": Chọn mục tiêu đắt giá để bắn hạ

Minh Phượng

(Dân trí) - Chỉ trong vòng một tháng rưỡi, Ukraine tuyên bố bắn hạ hai máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50 của Nga. Mỗi chiếc ước tính trị giá tới 330 triệu USD và là mục tiêu vô cùng đắt giá.

Phòng không Ukraine đòi lại bầu trời: Chọn mục tiêu đắt giá để bắn hạ - 1

Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50 của Nga được cho là đã bị Ukraine bắn hạ (Ảnh minh họa: Aviationgeek Club).

Những "tai nạn" liên tiếp của Không quân Nga

Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50 - được Liên Xô phát triển từ những năm 1980 - là một trong những khí tài trinh sát quan trọng nhất của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (viết tắt Không quân Nga) ở thời điểm hiện tại và hầu hết đã được hiện đại hóa lên phiên bản A-50U.

Trước khi tin đồn chiếc A-50 đầu tiên bị bắn hạ lan rộng hồi tháng 1, một số nguồn khác nhau tiết lộ, Không quân Nga chỉ còn 8 chiếc A-50 hoạt động tốt. Như vậy, nếu 2 chiếc A-50 thực sự bị loại khỏi vòng chiến, Không quân Nga sẽ chỉ còn lại 6 chiếc A-50.

Vào ngày 15/1, người đứng đầu quân đội Ukraine khi đó là tướng Zaluzhny đã đăng trên mạng xã hội rằng, phòng không nước này đã bắn hạ một máy bay A-50 và một máy bay chỉ huy trên không IL-22 của Nga trong không phận Biển Azov.

Khi đó, Thư ký Báo chí Điện Kremlin Peskov đã ra mặt nói rằng, Nga không có thông tin gì để cung cấp về vụ máy bay Nga bị bắn rơi.

Vào ngày 23/2, chuyện tương tự dường như lại diễn ra. Tư lệnh Không quân Ukraine, tướng Oleshuk đăng trên mạng xã hội rằng, lực lượng phòng không đã bắn hạ một máy bay cảnh báo sớm trên không A-50 khác của Nga. Ông thậm chí còn đăng một video (quay lại màn hình) về vụ bắn rơi máy bay A-50.

Quân đội Nga không bình luận về thông tin trên, tuy nhiên hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đề cập rằng, vào ngày 23/1, một chiếc máy bay không xác định đã bị rơi ở Krasnodar.

Bản đồ đường bay của máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga sau đó được quân đội Ukraine công bố cũng cho thấy, chiếc máy bay này đã bay ở khu vực Krasnodar và đường bay cuối cùng kết thúc ở nơi nó được cho là bị rơi.

Điều đáng nói là khu vực này nằm trên đất liền Nga, tuy gần với biển Azov, nhưng lần này máy bay A-50 thực tế vẫn chưa bay ra khỏi không phận đất liền Nga. Điều này rất khác so với tình hình ngày 15/1, khi đó máy bay A-50 và máy bay chỉ huy trên không IL-22 đang bay trên biển.

Biểu đồ quỹ đạo máy bay do quân đội Ukraine công bố cho thấy, tốc độ của chiếc máy bay A-50 này giảm từ 875 km/h xuống 0 trong vòng một phút. Vì lý do này, một số nhà phân tích cho rằng, vụ rơi máy bay A-50 hồi tháng 2, có thể do bị chính tên lửa phòng không của quân đội Nga bắn trúng.

Liên tiếp có tới 2 máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga lần lượt bị rơi trong ít ngày, dường như quân đội Nga có phần "bất lực".

Phòng không Ukraine đòi lại bầu trời: Chọn mục tiêu đắt giá để bắn hạ - 2

Bản đồ chiến sự Ukraine ghi nhận một số máy bay quân sự Nga bị bắn hạ ngày 23/2. Trong đó, khoanh tròn đỏ là nơi chiếc A-50 thứ 2 của Nga bị rơi (Ảnh: Rybar).

Patriot đã "lập công"?

Trên thực tế, khi chiếc A-50 đầu tiên bị rơi vào tháng 1, đã có phân tích cho thấy, quân đội Ukraine không có vũ khí tấn công tầm xa và chính xác như vậy. Ngay cả tên lửa phòng không Patriot được Mỹ viện trợ, cũng không thể đạt được tầm bắn xa như thế.

Các chuyên gia cho rằng, quả thực rất khó để có thể tấn công chiếc máy bay A-50 thứ hai bằng tên lửa Patriot, khi nó đang ở trong không phận Nga do các trận địa tên lửa của Ukraine bố trí rất xa bán đảo Crimea và biển Azov.

Theo các hãng tin phương Tây, địa điểm máy bay A-50 rơi cách tiền tuyến khoảng 260km. Như vậy, ngay cả tên lửa phòng không tăng cường dẫn đường (GEM) Patriot 2 cũng chỉ vươn tới cự ly tối đa 200km.

Hơn nữa, Mỹ và các nước NATO khác đã nói rõ với Ukraine rằng, họ sẽ không cho phép Kiev sử dụng viện trợ quân sự của phương Tây để tấn công các mục tiêu ở trong lãnh thổ Nga.

Nếu khu vực phía trên Biển Azov vẫn được coi là khu vực tranh chấp, thì vùng Krasnodar đã nằm trong đất liền của Nga. Nếu Ukraine dùng tên lửa Patriot tấn công máy bay Nga ở đây, chắc chắn sẽ bị phương Tây khiển trách.

Câu hỏi đặt ra liệu quân đội Nga có "vô tình" bắn hạ máy bay tương tự của mình hai lần chỉ trong hơn một tháng? Khả năng này có vẻ khó xảy ra.

Phòng không Ukraine đòi lại bầu trời: Chọn mục tiêu đắt giá để bắn hạ - 3

Hệ thống tên lửa phòng không S-200 của Ukraine (Ảnh: Twitter).

Nghi vấn tên lửa S-200 của Ukraine bắn hạ máy bay Nga  

Truyền thông Ukraine cho biết, chuyến bay cuối cùng của máy bay cảnh báo sớm A-50 cất cánh từ sân bay Akhtubinsk lúc 15h50 ngày 23/2 và cuối cùng bị hệ thống tên lửa S-200 của Ukraine bắn hạ.

Máy bay cảnh báo sớm A-50 được phát triển từ thời Liên Xô, tên lửa S-200 cũng vậy.

Hệ thống phòng không S-200 ra đời vào năm 1963, trong đó phiên bản S-200D "Dubna", được đưa vào biên chế chiến đấu năm 1976, có tầm bắn tối đa 300km, đủ để tấn công các mục tiêu của Nga từ những nơi hiện do Ukraine kiểm soát.

Nhược điểm của hệ thống tên lửa S-200 là cồng kềnh, khả năng cơ động rất kém. Trong cuộc xung đột hiện nay vốn tràn ngập UAV, thật khó để tưởng tượng rằng quân đội Ukraine sẽ triển khai nó ra tiền tuyến mà không sợ bị UAV tự sát của Nga phá hủy.

Một số nhà phân tích cho rằng, trước khi máy bay A-50 bị bắn hạ, nó đã phóng một loạt đạn bẫy mồi hồng ngoại trên bầu trời đêm, nhưng không có tác dụng gây nhiễu tên lửa dẫn đường bằng radar.

Họ thậm chí còn mô tả, sau khi chiếc máy bay được cho là A-50 bị bắn trúng, nó đã phát nổ thành một quả cầu lửa trên bầu trời. Có vẻ như lúc đó chiếc máy bay này đang bay ở vùng trời thấp hơn.

Suy cho cùng, tên lửa S-200 vốn được thiết kế để đánh chặn những máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ như B-52 hay B-1 nên về mặt lý thuyết, nó hoàn toàn có thể bắn hạ mục tiêu cỡ lớn và kém cơ động như A-50.

Dù vậy, bất kể có phải tên lửa S-200 đã bắn rơi máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga lần này hay không, thì quân đội Ukraine hé lộ một điều rằng, loại vũ khí này vẫn đang được sử dụng.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm