Báo Anh nêu 4 kịch bản cho cuộc xung đột Nga - Ukraine
(Dân trí) - Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ hai nhưng chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, hai bên chưa thể nối lại đàm phán.
Guardian của Anh đã đưa ra dự đoán những kịch bản có thể xảy ra với xung đột Nga - Ukraine.
Chiến dịch tấn công mới của Nga thành công
Theo kịch bản này, Nga sẽ đạt được bước đột phá ở mặt trận miền Đông hoặc trước khi Ukraine nhận vũ khí từ phương Tây trong vài tuần tới, hoặc sau khi cuộc phản công của Ukraine thất bại. Lợi thế chính của Nga là quân số với 300.000 tân binh sau lệnh động viên một phần hồi tháng 9 năm ngoái.
Một số chuyên gia Ukraine lo ngại rằng, một gọng kìm sẽ bao vây Donbass ở phía đông, Sumy ở phía bắc và Velyka Novosilka ở phía nam, cho phép Nga kiểm soát hầu hết 4 tỉnh mà nước này đã đơn phương tuyên bố sáp nhập cuối năm ngoái. Tại thời điểm này, Nga có thể kêu gọi ngừng bắn để giữ lại những vùng lãnh thổ đã kiểm soát được, đồng thời tiến hành một chiến dịch phòng thủ để củng cố lực lượng quân sự.
Tuy nhiên, Nga khó tiến công về phía tây do đà tiến công rất chậm chạp quanh Bakhmut và nỗ lực nhằm kiểm soát Vuhledar gặp nhiều khó khăn. Tình báo phương Tây ước tính, Nga đang phải gánh chịu 1.000 thương vong mỗi ngày. Tuy nhiên, vẫn có suy đoán rằng, Moscow sẽ tìm cách thực hiện một đợt huy động quân nữa và Trung Quốc có thể sẽ bí mật cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.
Ukraine tạo đột phá
Ukraine đang tập hợp một lực lượng gồm hơn 100 xe tăng Leopard 1 và Leopard 2 của phương Tây, cùng với các loại vũ khí khác và số lượng xe bọc thép tương tự. Với nguồn lực này, Ukraine có thể triển khai bất cứ lúc nào khi mùa xuân bớt ẩm ướt, lầy lội, để chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga trong một cuộc phản công quy mô lớn.
Trong kịch bản này, chiến lược của Ukraine là thực hiện một cuộc tấn công về phía Melitopol hoặc Berdansk cố gắng phá vỡ hành lang đường bộ và đường sắt nối Nga với Crimea, từ đó cô lập bán đảo này với lục địa Nga. Một phương án tấn công khác nữa là nhằm vào cầu Kerch dài 19km nối Crimea với đất liền Nga.
Chiến dịch phản công như vậy của Ukraine được kỳ vọng sẽ buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, Thông điệp liên bang tuần trước của Tổng thống Vladimir Putin cho thấy, Moscow sẽ chưa chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán sớm. Thực tế, nếu Ukraine muốn đẩy lùi lực lượng của Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ, họ có thể sẽ phải tiến hành thêm một vài cuộc tấn công nữa, ít nhất là trong nhiều tháng. Khi đó, họ mới có thể gây sức ép đàm phán với Moscow.
Điều đáng lo ngại là, ngay cả điều này cũng là quá lạc quan. James Nixey, một chuyên gia về Nga tại tổ chức tư vấn Chatham House, cho biết: "Có một vấn đề thực sự ở đây là, chúng ta có thể đang bị khích lệ quá mức bởi những thành công ban đầu của Ukraine trong việc phản công vào năm ngoái".
Chiến sự tiếp tục bế tắc
Trong kịch bản này, kế hoạch phản công của Ukraine có ít hoặc không có tiến triển trong mùa xuân và mùa hè, một phần vì phương Tây không cung cấp đủ vũ khí cho Ukraine. Kết quả là, cuộc xung đột kéo dài, song cường độ sẽ giảm dần khi người Nga thiếu đạn dược và việc tiếp tế của phương Tây cho Ukraine giảm bớt.
Khi đó, Ukraine sẽ phải chịu sức ép đàm phán lớn hơn, không nhất thiết là từ phương Tây, mà có thể từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Ukraine nhiều khả năng sẽ kiên quyết không đưa ra nhượng bộ về lãnh thổ, do họ vẫn nhận được sự ủng hộ của phương Tây.
Do đó, điểm kết thúc có thể không phải một nền hòa bình được đàm phán, mà là một cuộc xung đột nhằm củng cố ranh giới các địa phận bị kiểm soát.
"Điểm kết thúc sẽ nằm ở giữa một cuộc xung đột đóng băng và một cuộc chiến lâu dài, trong đó không bên nào đủ lực hay kinh tế để giành chiến thắng", ông Nixey bình luận.
Hoàn cảnh này có những điểm tương đồng với tình hình sau cuộc tiến công đầu tiên của Nga vào Ukraine vào năm 2014, nhưng lần này phương Tây sẽ phải đối mặt với một thế lực lớn không thể xoa dịu ở Moscow. Trong khi đó, Ukraine sẽ cần nhiều năm hỗ trợ của phương Tây để đảm bảo biên giới phía đông của nước này vẫn ổn định.
Phương Tây kiệt quệ
Nga hy vọng có thể lôi kéo phương Tây vào một cuộc chiến kéo dài - thứ sẽ khiến các nước này kiệt quệ trước hết về quân sự và sau đó là về chính trị.
Đến nay, các nước phương Tây cho thấy sự thống nhất mạnh mẽ trong việc muốn giúp Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga khỏi lãnh thổ. Tuy nhiên, khi đảng Cộng hòa Mỹ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện và nếu Tổng thống Joe Biden không tái tranh cử hay thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng một lần nữa, thì điều đó sẽ đặt ra những câu hỏi lớn cho nỗ lực của Ukraine. Theo Viện Kiel, Mỹ đã cung cấp 44 tỷ euro (46 tỷ USD) hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Hiện rất khó để đoán định cục diện xung đột Nga - Ukraine, khi cuộc chiến càng kéo dài thì khả năng xuất hiện những yếu tố bất ngờ càng lớn ở cả hai bên chiến tuyến.