1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba Lan cảnh báo kịch bản Ukraine thất thế trong cuộc xung đột với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine có thể thất bại trên chiến trường nếu không có sự hỗ trợ quân sự khẩn cấp của phương Tây, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cảnh báo.

Ba Lan cảnh báo kịch bản Ukraine thất thế trong cuộc xung đột với Nga - 1

Một binh sĩ Ukraine khai hỏa ở miền Đông nước này (Ảnh: AP).

Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro của Pháp ngày 11/2 về việc liệu Nga có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột hiện nay với Ukraine hay không, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói: "Họ có thể, nếu như Ukraine không được hỗ trợ khẩn cấp".

Ông lý giải: "Ukraine không có hạ tầng quân sự hiện đại, nhưng họ có nguồn lực con người. Nếu chúng ta không viện trợ trang thiết bị quân sự cho Ukraine trong những tuần tới, Nga có thể chiến thắng".

Bình luận của ông Andrzej Duda nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới chức Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 12/2 một lần nữa khẳng định trên Telegram rằng, kể cả phương Tây viện trợ quân sự khẩn cấp cho Kiev, điều đó cũng không thể xoay chuyển cục diện xung đột. "Chúng chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Sám hối về những gì đã làm là lối thoát duy nhất của phương Tây", bà Zakharova viết.

Moscow nhiều lần cảnh báo, việc phương Tây cung cấp khí tài cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và có nguy cơ leo thang thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Bất chấp cảnh báo, Mỹ và các đồng minh cam kết tiếp tục viện trợ cho Kiev. Đầu tháng này, một loạt thành viên NATO hứa cung cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng và hệ thống phòng không hiện đại. Đức cho biết, 14 xe tăng Leopard 2 của họ sẽ đến Ukraine vào khoảng cuối tháng 3. Ngoài ra, Berlin cũng thông báo dành ngân sách để mua khoảng 190 xe tăng Leopard 1 loại biên để nâng cấp và chuyển cho Ukraine.

Ba Lan, một trong những nước hỗ trợ mạnh nhất, tuyên bố cấp 14 xe tăng Leopard2 và 60 xe tăng T-72 từ thời Liên Xô.

Giới chức Ukraine cho biết, họ đã nhận được cam kết viện trợ hàng trăm xe tăng. Họ hy vọng điều này sẽ giúp quân đội Ukraine có được "nắm đấm thép" để giành ưu thế trên chiến trường. Tuy nhiên, Kiev cũng hối thúc phương Tây đẩy nhanh tốc độ bàn giao các khí tài để ngăn chặn kế hoạch tấn công tổng lực của Nga có thể diễn ra trong mùa xuân hoặc mùa hè. Kiev cũng kêu gọi các đồng minh, đối tác viện trợ máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa trong bối cảnh kho dự trữ đạn dược của Ukraine cạn kiệt do giao tranh khốc liệt.

Xung đột Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ hai và chưa có dấu hiệu lắng xuống. Nguồn tin tình báo của Ukraine nói rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo quân đội nước này kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass ở miền Đông Ukraine trước tháng 3.

Theo trang Ukrainsk Pravda, tình báo quân đội Ukraine đã thu thập thông tin từ cuộc gọi của một binh sĩ Nga với người thân trong đó nói rằng Moscow coi tháng 2 là tháng có ý nghĩa quyết định đối với xung đột ở Ukraine. Người này cho biết thêm rằng, cả Nga và Ukraine đều đang tập hợp lực lượng chuẩn bị cho một trận đánh lớn mang ý nghĩa quyết định.

Ba Lan cảnh báo kịch bản Ukraine thất thế trong cuộc xung đột với Nga - 2

Cục diện toàn chiến trường Ukraine (bên trái) và mặt trận miền Đông (Đồ họa: ISW).

      Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine

Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.

Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.

Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.

Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.

Theo RT, Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine