Ukraine nói chỉ huy soái hạm Nga "thiệt mạng" sau vụ tấn công tên lửa
(Dân trí) - Quan chức Ukraine thông báo chỉ huy soái hạm Moskva của Nga đã thiệt mạng sau vụ tấn công bằng tên lửa hôm 13/4.
"Thuyền trưởng số 1, chỉ huy soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen, Anton Kuprin, đã thiệt mạng trong vụ nổ và cháy trên tàu", Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, thông báo trên Telegram hôm 15/4.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm 14/4 cho biết, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen của nước này đã bị đắm trong điều kiện "biển động do bão" trong lúc neo tại cảng. Theo quân đội Nga, thân tàu đã bị hư hại nặng sau một vụ nổ kho đạn trên khoang một ngày trước đó.
Theo thông báo của quân đội Nga, hôm 13/4, tàu tuần dương mang tên lửa Moskva bất ngờ bị nổ kho đạn trên khoang, gây hỏa hoạn nghiêm trọng khi đang hoạt động ở khu vực cách Odessa (Ukraine) khoảng 90 km về phía Nam. Toàn bộ thủy thủ đoàn đã được sơ tán sang các tàu khác thuộc Hạm đội Biển Đen triển khai gần đó và tàu Moskva được lai dắt về bán đảo Crimea để tu sửa. Đến sáng 14/4, phía Nga cho biết đã dập đám cháy và con tàu trên đường về cảng sửa chữa.
Trong khi đó, quân đội Ukraine đưa ra tuyên bố khác về vụ soái hạm Biển Đen của Nga bị chìm. Ukraine nói rằng, tên lửa chống hạm Neptune của nước này đã nhắm trúng tàu Moskva ở Biển Đen hai lần. Ông Maksym Marchenko, Thống đốc vùng Odessa thuộc miền Nam Ukraine, cho biết tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine đã gây "thiệt hại nghiêm trọng" đối với tàu Nga. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói đây là tổn thất lớn đối với Nga.
Theo Reuters, việc soái hạm bị chìm được xem là bước lùi của Moscow trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nếu thực sự con tàu bị chìm bởi tên lửa Ukraine, nó sẽ trở thành một trong những vụ "tấn công hải quân quy mô tầm cỡ nhất trong thế kỷ này" khi một tàu tuần dương đã chìm xuống.
Moskva là tàu chiến lớp Slava thuộc biên chế Hạm đội Biển Đen và là một trong những tàu chiến chủ lực của Hải quân Nga. Con tàu được hạ thủy năm 1979, được trang bị ít nhất 16 tên lửa đối hạm và nhiều tên lửa phòng không, ngư lôi, hệ thống pháo hạm tiên tiến. Từ tháng 2/2022, tàu Moskva đã tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, triển khai ở ngoài khơi Ukraine.
Các chuyên gia không xem việc tàu Moskva bị chìm có tác động lớn tới chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đang thực hiện ở Ukraine.
"Con tàu đã thật sự quá cũ. Thực chất Nga đã có kế hoạch loại biên nó trong vòng 5 năm tới. Nó có nhiều giá trị về biểu tượng hơn là giá trị tác chiến và về tổng thể, không ảnh hưởng gì nhiều tới chiến dịch quân sự. Nó sẽ không tác động tới diễn biến cuộc chiến", nhà phân tích quân sự Alexander Khramchikhin nhận định.
Các chuyên gia cho rằng Nga vẫn có đủ nguồn lực hải quân để duy trì tình trạng phong tỏa các cảng của Ukraine, cũng như phóng vũ khí vào các mục tiêu bên trong Ukraine bằng các hệ thống tên lửa khác. Nga cuối tháng 3 tuyên bố rút quân khỏi Kiev, chuyển mục tiêu chiến dịch sang giải phóng vùng Donbass, nơi có các khu vực ly khai ở Đông Ukraine.