Cảnh báo cuộc gọi đến nhưng không nói gì: Dữ liệu người dùng có thể bị bán
(Dân trí) - Theo chuyên gia, việc người dùng nhận cuộc điện thoại lạ nhưng không nói gì là một cách để các đối tượng có thể lọc dữ liệu (data) người dùng, bán data hoặc lên những kịch bản lừa đảo phù hợp.

Việc người dùng nhận những cuộc gọi không nói gì là cách để các đối tượng kiểm tra trạng thái dữ liệu, phân loại để thực hiện cho các mục đích xấu (Ảnh: Trung Nam).
Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng khách hàng nhận được nhiều cuộc gọi lạ giả danh, cuộc gọi không nói gì, không có âm thanh, gây phiền hà.
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, hiện nay các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội và Internet ngày càng tinh vi, không chỉ giới hạn trong môi trường trực tuyến mà còn mở rộng sang những cuộc gọi điện thoại với nhiều chiêu trò khó lường.
Những kẻ lừa đảo thường nhắm đến người cao tuổi, nội trợ hoặc những người đang thất nghiệp - những đối tượng dễ tin người và có xu hướng tìm kiếm cơ hội kiếm tiền nhanh. Chính vì vậy, họ dễ dàng làm theo hướng dẫn của kẻ gian và vô tình trở thành nạn nhân.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, ông Đỗ Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Điều hành An ninh mạng CMC (Công ty CMC Cyber Security, Tập đoàn Công nghệ CMC), cho biết: "Mục tiêu chính của các đối tượng này chính là xác nhận kho dữ liệu (data) mà chúng có được đang ở trạng thái và thuộc phân loại như thế nào.
Để thực hiện được điều này, chúng thường sử dụng hai phương pháp phổ biến. Đầu tiên là kiểm tra xem dữ liệu có hoạt động hay không".
Ông Thịnh giải thích: "Rất đơn giản, việc khách hàng chỉ cần trả lời "Alo" là đủ để xác nhận rằng đường dây đang hoạt động. Phương pháp thứ hai cao cấp hơn, chúng sử dụng một con bot (phần mềm chạy các tác vụ tự động hóa trên mạng) để gọi và trò chuyện".
Theo đó, những con bot này được lập trình để tuân theo một kịch bản do chúng dựng lên với mục tiêu xác định xem dữ liệu có hoạt động hay không và phân loại khách hàng là nam hay nữ, già hoặc trẻ cũng như trong độ tuổi khoảng bao nhiêu.

Ông Đỗ Văn Thịnh chia sẻ với phóng viên báo Dân trí (Ảnh: Quyết Thắng).
Khi khách hàng trả lời, con bot này sẽ dựa theo các từ khóa để lọc thông tin. Sau khi dữ liệu được lọc, việc sử dụng dữ liệu đó như thế nào tùy thuộc vào các đối tượng này.
"Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, những người lớn tuổi khi nhận một cuộc điện thoại không nói gì có thể bị kích thích trí tò mò và gọi lại. Sau đó, những kẻ lừa đảo có thể sử dụng các kịch bản lừa đảo để thực hiện hành vi phạm tội.
Về mặt công nghệ, người dùng không thể mất tiền khi trả lời cuộc gọi này. Việc lọc dữ liệu có thể được các đối tượng sử dụng cho các hoạt động lừa đảo hoặc để bán dữ liệu cho một bên thứ ba", ông Thịnh cảnh báo.