1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc đua sức bền hỏa lực có thể xoay chuyển chiến sự Nga-Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chiến sự gần 10 tháng giữa Nga và Ukraine đã trở thành cuộc chiến về hỏa lực và bên nào có lợi thế hơn về đạn dược sẽ có cơ hội lớn để tạo ra bước ngoặt.

Cuộc đua sức bền hỏa lực có thể xoay chuyển chiến sự Nga-Ukraine - 1

Lực lượng Ukraine phóng rocket tấn công mục tiêu của Nga ở Donbass (Ảnh: Getty).

NBC News dẫn lời các quan chức và chuyên gia quân sự Mỹ nhận định, xung đột Nga-Ukraine đã trở thành cuộc đấu về hỏa lực dữ dội và bên nào đảm bảo nguồn cung đạn dược nhiều hơn trên chiến trường sẽ giành được lợi thế trong cuộc chiến.

Giới chức Mỹ cho biết, Nga dường như đang tận dụng các linh kiện trong sản phẩm dân dụng để chế tạo vũ khí tấn công chính xác. Trong khi đó, các nguồn tin nói rằng, Moscow dường như đã sử dụng tới những quả đạn pháo có tuổi đời 40 năm trong kho dự trữ - dấu hiệu cho thấy họ đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt hỏa lực. Trước đó, Nga nhiều lần khẳng định họ đang tăng tốc sản xuất vũ khí cho chiến sự ở nước láng giềng.

Về phía Ukraine, họ đang phụ thuộc vào NATO để đảm bảo dòng chảy vũ khí và đạn dược, nhưng nguồn vũ khí này đang cạn kiệt sau 10 tháng chiến sự khốc liệt.

Cả quân đội Nga và Ukraine đều đang bắn ra hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày và đều đối mặt với thách thức phải đảm bảo nguồn cung vũ khí để duy trì chiến đấu.

Theo 2 quan chức Mỹ, trong 300 ngày kể từ khi chiến sự với Ukraine nổ ra, Nga dường như đã sử dụng gần hết các kho dự trữ mà họ mất cả thập niên để chế tạo.

Hiện chưa rõ Nga có bao nhiêu đạn dược trong kho dự trữ và tốc độ sản xuất bù đắp của Moscow có thể nhanh như thế nào. Các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ nhiều lần nhận định tốc độ sử dụng đạn dược của Nga đang nhanh hơn năng lực sản xuất của Moscow.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, rất khó để ước tính thời điểm mà Nga có thể cạn đạn dược. Các chuyên gia không đồng nhất quan điểm khi mỗi người đưa ra các nhận định chênh lệch nhau, từ vài tháng cho tới một năm.

"Nền công nghiệp quốc phòng của Nga về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn. Nó đang chịu áp lực rất lớn vì bão trừng phạt, nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Nga đang thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng tăng cường sản xuất", Dara Massicot, một nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại tổ chức tư vấn Rand Corp (Mỹ), nhận định.

Cuộc đua sức bền

Paul Schwartz, một nhà khoa học tại Trung tâm phân tích hải quân (Mỹ), cho biết các nhà máy của Nga đang tăng cường sản xuất, tăng ca làm việc để tiếp viện cho chiến trường.

Tuy nhiên, ông cho rằng, Nga sẽ gặp khó để sản xuất đạn dược ở mức đủ để theo kịp số lượng hỏa lực được bắn ra trên chiến trường. Tháng trước, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Nga dường như đang bắn ra 20.000 viên đạn mỗi ngày và Ukraine khoảng 4.000 đến 7.000 viên đạn mỗi ngày.

Không giống như các loại vũ khí tiên tiến hơn, đạn pháo không yêu cầu linh kiện điện tử phức tạp để chế tạo, vì vậy ngành công nghiệp quốc phòng Nga ít bị ảnh hưởng khi sản xuất những khí tài này. Nhưng ngành công nghiệp máy móc của Nga dường như đã gặp một số vấn đề trong vài năm qua, và không rõ liệu có thể chịu được áp lực gia tăng sản lượng hay không, theo ông Schwartz.

Tuy nhiên, Ukraine cũng lâm vào thế khó. Nền công nghiệp quốc phòng của Kiev đã bị tàn phá nghiêm trọng khi Nga liên tục nhắm mục tiêu trong những tháng qua. Ukraine đang phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ NATO - bên cũng đang ghi nhận tình trạng cạn kiệt vì cuộc chiến tiêu hao suốt thời gian qua.

Chuyên gia Massicot nhận định: "Đây là cuộc đua về sức bền. Những bên ủng hộ Ukraine có thể duy trì mức viện trợ hiện tại trong bao lâu? Và về phía Nga, nền công nghiệp quốc phòng của họ có thể đáp ứng nhu cầu đạn dược như thế nào?".

Giờ đây, Nga tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine khiến phía Kiev thiếu điện nghiêm trọng và khả năng vận hành các cơ sở sản xuất quốc phòng ngày càng trở nên thách thức hơn. Nga dường như đang sử dụng chiến thuật tấn công tiêu hao để làm suy giảm năng lực sản xuất quốc phòng của đối thủ, đặt ra thách thức khổng lồ cho cả Ukraine và NATO.

Phụ thuộc vào phương Tây cũng là cả thách thức lớn với Ukraine, khi nền công nghiệp quốc phòng các nước này cũng cần thêm thời gian để tăng tốc sản xuất theo nhịp độ thời chiến.

Chuyên gia quân sự Nick Reynolds nhận định, NATO sẽ cần thời gian dài để các công ty quốc phòng của họ có thể lên kế hoạch tăng tốc sản xuất khí tài. Trên thực tế, Mỹ đã cam kết viện trợ cho Ukraine hàng tỷ USD vũ khí, nhưng nhiều khí tài trong số đó không thể giao ngay, mà Ukraine phải chờ vài tháng hoặc một năm.

Theo NBC News
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine