Tông trúng 2 mẹ con đi bộ trên cao tốc, tài xế có phải chịu trách nhiệm?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, việc người phụ nữ cho con đi bộ là lỗi hành chính và sẽ bị xử phạt, song không phải là căn cứ miễn hoàn toàn trách nhiệm hình sự (nếu có) cho tài xế.

Như Dân trí thông tin, tối 22/2, xe tải do anh N.D.Đ. (45 tuổi, ở Phú Thọ) điều khiển tông vào 2 mẹ con đi bộ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua TX Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) khiến bé gái 3 tuổi tử vong, người mẹ là chị P.T.T. (46 tuổi, ở TX Phú Thọ) bị thương phải đưa đi cấp cứu. Vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục xác minh làm rõ. 

Trong vụ tai nạn đáng tiếc trên, lỗi về phần người mẹ khi đưa con đi bộ trên cao tốc là rõ ràng. Tuy nhiên, về phía tài xế, liệu người này có thể phải chịu trách nhiệm hay không là thắc mắc của nhiều độc giả.

Tông trúng 2 mẹ con đi bộ trên cao tốc, tài xế có phải chịu trách nhiệm? - 1

Chiếc xe tải liên quan tới vụ tai nạn (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng đây là sự việc hết sức đáng tiếc, cho thấy hậu quả khôn lường của những hành vi chủ quan, cẩu thả, thiếu ý thức hay coi thường pháp luật khi tham gia giao thông. 

Dưới góc độ pháp lý, ông Giáp nhìn nhận lỗi hành chính của người mẹ là rõ ràng khi đã đưa con đi bộ trên đường cao tốc, vốn là khu vực không dành cho người đi bộ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, thậm chí là những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tài xế xe tải có thể được miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm hình sự. 

"Trường hợp này, vấn đề mấu chốt là yếu tố lỗi dẫn tới hậu quả chết người thuộc về ai, từ đó xác định căn cứ đánh giá trách nhiệm dân sự và hình sự của các chủ thể liên quan. 

Về nguyên tắc lái xe, dù là tuyến đường cao tốc chỉ dành cho ô tô nhưng tài xế vẫn có trách nhiệm tập trung quan sát, làm chủ tay lái, kiểm soát tốc độ và xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Bởi vậy, trường hợp xảy ra tai nạn chết người nhưng không phải do sự kiện bất khả kháng gây ra, trách nhiệm hình sự với các tài xế vẫn sẽ được xem xét", ông Giáp bình luận. 

Theo luật sư, với những thông tin hiện có, chưa thể kết luận có tồn tại dấu hiệu hình sự trong vụ việc hay không. Tuy nhiên, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, bao gồm việc thực nghiệm lại hiện trường để phác họa tổng thể "bức tranh" vụ tai nạn. Trong đó, những vấn đề cần đặc biệt lưu tâm sẽ là vị trí của 2 mẹ con thời điểm trước khi xảy ra va chạm là ở đâu, có lấn chiếm phần đường xe chạy hay xuất hiện đột ngột, bất ngờ khiến tài xế không kịp xử lý hay không. 

Tiếp đó, cần xác định khoảng cách từ thời điểm tài xế phát hiện 2 mẹ con tới khi va chạm là bao xa, trước khi va chạm tài xế có tuân thủ nguyên tắc về quan sát, kiểm soát tốc độ hay chưa. Đồng thời, cần dựa trên vệt bánh xe cùng các dấu vết trên phương tiện để xác định tài xế đã xử lý tình huống như thế nào, cơ chế va chạm ra sao và cách tài xế xử lý đã phải phương án tối ưu, giảm tối đa thiệt hại hay chưa. 

Từ những chứng cứ nêu trên, nếu cơ quan chức năng xác định đây là sự kiện bất khả kháng, tài xế sẽ được miễn trách nhiệm hình sự và cũng không phải chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự. Ngược lại, nếu xác định lái xe đã thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ hoặc xử lý chủ quan dẫn tới hậu quả đáng tiếc, người này có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Khi đó, lái xe này phải bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần cho nạn nhân. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, dựa trên quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Đối với hành vi đi bộ trên cao tốc của người phụ nữ, đây là lỗi vi phạm hành chính và sẽ áp dụng chế tài hành chính để xử phạt. Trường hợp cơ quan chức năng xác định đồng thời có yếu tố lỗi của người đi bộ, trách nhiệm dân sự và hình sự sẽ được xem xét.