1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bài học phòng chống dịch Covid-19 ở châu Âu

(Dân trí) - Châu Âu đã biết và chuẩn bị trước dịch Covid-19, nhưng dường như đã không xử lý kịp thời. Chỉ khi cơn "sóng Covid-19" mạnh lùa sâu vào châu lục này, các biện pháp cứng rắn mới bắt đầu được đưa ra.

Bài học phòng chống dịch Covid-19 ở châu Âu - 1

Các nhân viên y tế tưởng nhớ một đồng nghiệp tử vong vì Covid-19 tại Leganes, Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters) 

Là khu vực xuất hiện dịch Covid-19 sau, nhưng châu Âu lại nhanh chóng vượt qua Trung Quốc, trở thành tâm dịch của thế giới, với hàng trăm nghìn ca nhiễm và hàng chục nghìn ca tử vong.

Khi tin tức về các loại virus mới gây ra một căn bệnh viêm phổi lạ ở Vũ Hán (Trung Quốc) xuất hiện tháng 12/2019, và cho đến khi có những ca nhiễm đầu tiên, họ dường như vẫn coi đó chỉ giống như một căn bệnh cúm mùa thường gặp. 

Việc chậm trễ của các chính phủ trong kiểm soát tự do đi lại của công dân là một trong những nguyên nhân khiến dịch lan rộng. Cho đến cuối tháng 2, khi virus SARS-CoV-2 đã khiến Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha bị tác động mạnh, các đường bay đi châu Âu và từ châu Âu đi nơi khác vẫn diễn ra.

Các chuyến bay đến từ Trung Quốc cũng chỉ bị dừng khi tình trạng lây lan đã trở nên nguy hiểm, có hàng ngàn người chết và số người nhiễm ngoài tầm kiểm soát thì biện pháp đóng cửa biên giới đường bộ và đường không tại châu Âu mới được thực hiện.

Ủy ban châu Âu ban đầu phản đối việc đóng cửa biên giới, cho rằng đây là không phải là cách tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh. Chỉ khi cơn "sóng Covid" mạnh lùa sâu vào châu lục này, các biện pháp mạnh mới bắt đầu được đưa ra. Ngày 17/3, châu Âu mới quyết định cấm người nước ngoài nhập cảnh vào lãnh thổ các nước Schengen.

Khả năng phòng bị của người dân châu Âu cũng được cho là khá lỏng lẻo. Khẩu trang, một vật dụng hữu ích để ngăn cản virus phát tán, cũng được khuyến cáo không cần thiết và nên để dành cho các nhân viên y tế. Thậm chí cho đến khi số người chết lên tới con số hàng chục nghìn, việc đeo khẩu trang hay không vẫn tiếp tục được tranh cãi. 

Những hoạt động với sự tụ tập của hàng ngàn người vẫn tiếp tục được tổ chức như thể thao, văn hóa... Tính kỷ luật của nhiều người dân rất lỏng lẻo khi không chịu thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà một cách tuyệt đối.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải thừa nhận và cảnh báo: “Giai đoạn này sẽ dạy cho chúng ta rất nhiều bài học. Rất nhiều thứ tưởng chừng như chắc chắn nhất rồi cũng bị cuốn bay. Những điều chúng ta từng nghĩ không thể xảy ra, đã xảy ra…”.

Cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel lên tiếng than phiền sự chậm trễ trong việc đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt phòng, ngừa Covid-19 và tin rằng thế hệ tiếp theo sẽ “ít chủ quan hơn” về tác động của dịch bệnh trong tiến trình toàn cầu hóa.

Mặc dù tuyên bố sẽ bảo vệ công dân bằng mọi cách, cam kết hỗ trợ không giới hạn, nhưng lãnh đạo các nước châu Âu gặp nhiều khó khăn để đi đến nhất trí về cách thức huy động tài chính giúp các nước phục hồi kinh tế sau dịch. Và phải đến hội nghị Bộ trưởng tài chính ngày 9/4 vừa qua, châu Âu mới thống nhất được gói cứu trợ trị giá 500 tỷ Euro.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell khẳng định: “Sau giai đoạn đầu bị chia rẽ bởi các quốc gia định mang tính cá nhân của mỗi nước, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn hợp tác và khi đó, EU sẽ đóng vai trò điều phối trung tâm. Khi khủng hoảng dịch bệnh mới diễn ra, nhiều nước đã không sẵn sàng hợp tác mà đi theo cách riêng của mình. Giờ thì họ cũng đã hiểu rằng, cách duy nhất để vượt qua dịch bệnh là đi cùng với nhau”.

Khi dịch bắt đầu xuất hiện tại châu Âu, trên phương tiện truyền thông, không có nhiều bài báo có tính phản biện, chẳng hạn đặt ra câu hỏi liệu dịch có tràn tới châu Âu không hay vì sao không dùng khẩu trang? Chỉ khi dịch bùng phát và lan rộng, truyền thông mới mở những cuộc tranh luận trên truyền hình về sự lây lan của dịch bệnh, về đeo khẩu trang như các nước châu Á, nhưng đã quá muộn.

Ngoài ra, ở châu Âu, quyền tự do cá nhân, trong đó có quyền tự do đi lại cũng gây khó khăn cho việc thiết lập các biện pháp mạnh như lệnh phong tỏa hoặc hạn chế đi lại. Yếu tố văn hóa phần nào đó cũng cản trở việc phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh, chẳng hạn như dùng khẩu trang hay che khăn khi giao tiếp được cho là mất lịch sự…

Nhìn lại 3 tháng qua, đại dịch Covid-19 dù chưa đi qua, nhưng cũng đã để lại bài học khó quên cho người châu Âu nói riêng, các quốc gia trên thế giới nói chung về sự chủ động, quyết liệt của chính phủ với những quyết sách sáng tạo, phù hợp; sự đoàn kết, thống nhất, chung tay của người dân; sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cùng với vai trò của truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh cũng như các lĩnh vực khác.

Nguyễn Nhâm