1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba nhà lãnh đạo trẻ khát khao tạo thay đổi tại Đông Nam Á

(Dân trí) - Là những gương mặt trẻ trên chính trường, Grace Natalie (Indonesia), Nurul Izzah Anwar (Malaysia) và Thanathorn Juangroongruangkit (Thái Lan) đang góp phần làm thay đổi nền chính trị tại Đông Nam Á. Họ là những gương mặt trẻ nổi bật tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN, đang diễn ra tại Hà Nội.

Grace Natalie, 36 tuổi


Grace Natalie (Ảnh: Reuters)

Grace Natalie (Ảnh: Reuters)

Natalie Grace và Thanathorn Juangroongruangkit đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN 2018 tại Hà Nội, diễn ra từ 11-13/9.

WEF ASEAN 2018 thu hút hơn 1.000 đại biểu từ 43 quốc gia trên thế giới tham dự, đến từ các lĩnh vực khác nhau, từ các doanh nghiệp, khu vực tư nhân, các tổ chức khoa học, nghệ thuật, xã hội dân sự, truyền thông. Diễn đàn thu hút hơn 70 nhà lãnh đạo trẻ, bao gồm 25 nhà kiến tạo thế giới, 9 nhà khởi nghiệp xã hội và 37 lãnh đạo trẻ toàn cầu.

Grace Natalie, một cựu nhà báo và người dẫn chương trình truyền hình tin tức, là một trong những đồng sáng lập của đảng Đoàn kết Indonesia (PSI). Cô hiện cũng là nhà lãnh đạo của đảng này. Được mệnh danh là đảng của thế hệ những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000, PSI là một trong 4 đảng mới thành lập đang hi vọng có thể gây ảnh hưởng tới cuộc tổng tuyển cử tại Indonesia vào năm 2019. Một trong những hi vọng chính của PSI là thu hút sự chú ý của tầng lớp thanh niên tại Indonesia, khi 1/3 số lượng cử tri tại nước này trong độ tuổi từ 17-24. Đáng chú ý, 2/3 trong số 400.000 thành viên của PSI dưới 35 tuổi.

Tuy nhiên, đảng này có thể không đạt được kỳ vọng, vì số lượng cử tri đi bầu trong tầng lớp trẻ tại Indonesia thường thấp hơn mức trung bình, theo một cuộc khảo sát do Đại học Western Australia tiến hành.

PSI đã quyết tâm làm những điều khác biệt, một cách triệt để. Thay vì thuê các văn phòng có giá đắt đỏ, đảng này làm việc chính tại nhà của các thành viên và nhờ cậy vào các khoản tài trợ và gây quỹ từ công chúng. PSI thậm chí có các cuộc phỏng vấn trực tuyến với các ứng viên tranh cử tiềm năng trên Facebook và Youtube.

“Không đảng nào cho thấy những gì chúng tôi đang làm xét về sự minh bạch”, Natalie nói với hãng tin Reuters.

Nurul Izzah Anwar, 37 tuổi


Nurul Izzah Anwar (Ảnh: Reuters)

Nurul Izzah Anwar (Ảnh: Reuters)

Nurul Izzah Anwar hiện là một nghị sĩ quốc hội Malaysia và phó chủ tịch đảng Công lý nhân dân (được gọi là Keadilan hay PKR). Cô cũng được dự đoán sẽ trở thành lãnh đạo đảng này.

Có bố và mẹ đều tham gia chính quyền, Anwar có lợi thế về môi trường chính trị và đã gặt hái những thành công lớn. Cô là nhân tố quan trọng trong việc thiết lập Thỏa thuận đối tác xuyên Thái Bình Dương Caucus và Women's Caucus, một tổ chức chuyên hỗ trợ và khuyến khích phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị tại Malaysia.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Star của Malaysia, Anwar nhấn mạnh vấn đề trên: “Chỉ có chưa tới 15% phụ nữ trong quốc hội và con số này không được cải thiện qua các năm. Vì vậy trong đảng Keadilan, chúng tôi đưa ra cam kết rằng 30% phụ nữ tham gia ứng cử và hoạch định chính sách”.

Anwar nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang lại các cơ hội và phát triển các mạng lưới hỗ trợ đúng đắn cho phụ nữ để họ có thể tham gia chính trị.

“Đảm bảo môi trường chính trị là điều rất có lợi cho họ, dù là thông qua các chính sách linh hoạt hay gia tăng các trung tâm chăm sóc trẻ em, vì điều quan trọng nhất về việc trao quyền là quyền lựa chọn”, cô nói.

Ở tuổi 38, Anwar ủng hộ một chương trình cải cách và cam kết thiết lập môi trường báo chí mở và tự do. “Malaysia cần một môi trường báo chí năng động như một lời nhắc nhở hiệu quả với các chính trị gia rằng phải luôn luôn hành động đúng”, cô nói.

Thanathorn Juangroongruangkit, 40 tuổi


Thanathorn Juangroongruangkit (Ảnh: Reuters)

Thanathorn Juangroongruangkit (Ảnh: Reuters)

Thanathorn Juangroongruangkit được so sánh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhưng cựu CEO ngành chế tạo này trẻ hơn họ. Hồi đầu năm nay, anh đã thành lập một đảng chính trị mới mang tên “Hướng tới Tương lai” và anh cũng mong muốn thu hút lá phiếu của các cử tri trẻ.

Theo một tuyên bố của đảng được đưa ra hồi đầu năm nay, “Thái Lan đã vướng vào mâu thuẫn chính trị kéo dài suốt hơn 1 thập niên qua, gây ra những tổn thất to lớn về xã hội và kinh tế. Sự phân cực chính trị đã cản trở tham vấn và đối thoại…”.

“Tất cả các bên cần xích lại gần nhau và suy nghĩ”, Thanathorn nói trong cuộc phỏng vấn với báo Khao Sod của Thái Lan. “Chúng ta phải hàn gắn các vết thương của tất cả các bên”.

Gần đây, Thanathorn đã bị cáo buộc bóp méo sự thật trong một video được đăng tải trên Facebook, tội danh có thể đối mặt mức án 5 năm tù. Điều này chứng tỏ những thách thức mà đảng mới của anh có thể gặp phải trong việc tuân thủ hệ thống bầu cử và luật pháp của Thái Lan.

An Bình

Theo Wefforum

Dòng sự kiện: Hội nghị WEF ASEAN 2018