1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Học giả nước ngoài tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ấn tượng câu chuyện “thần kỳ” của kinh tế Việt Nam

(Dân trí) - Học giả Peter Vanham tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 11/9 đã đăng một bài viết với tựa đề “Câu chuyện về sự thần kỳ của nền kinh tế Việt Nam” trên trang chủ của WEF để nói về những ấn tượng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây.

Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN từ ngày 11-13/9 (Ảnh: Reuters)
Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN từ ngày 11-13/9 (Ảnh: Reuters)

“Rảo bước tại Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, bạn có thể nhận thấy nguồn năng lượng vô biên ở khắp mọi nơi. Mọi người lái những chiếc xe hai bánh, mua và bán tất cả mọi thứ từ điện thoại di động cho tới đồ ăn ở vô số các cửa hàng nhỏ. Họ mải miết đi làm, đi học. Việt Nam trẻ, đang phát triển, và bất kỳ điều gì cũng có thể cảm nhận được tại quốc gia này”, học giả Peter Vanham mở đầu bài viết trên trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Theo Peter Vanham, khi kết thúc chiến tranh vào năm 1975, kinh tế của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nghèo nhất thế giới. Tới giữa thập niên 1980, GDP bình quân đầu người chỉ từ 200-300 USD. Tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc “Đổi Mới” và phát triển “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

“Ngày nay Việt Nam là một trong những ngôi sao trong nhóm các nền kinh tế mới nổi. Tốc độ phát triển kinh tế từ 6-7%, giá trị xuất khẩu tương đương giá trị GDP. Bất kỳ sản phẩm nào từ giày thể thao Nike cho tới điện thoại Samsung đều được sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này”, bài viết của học giả Peter Vanham cho biết.

Financial Times dẫn lời Phó Giáo sư Sheng Lu tại Đại học Delaware nhận định đây là thành công của Việt Nam, nơi có rất ít người lao động hoặc cơ sở sản xuất nhàn rỗi.

Theo các nhà phân tích tại Ngân hàng Thế giới và Viện nghiên cứu Brookings, sự trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam có thể được giải thích bởi 3 lý do chính. Thứ nhất, Việt Nam đã nắm bắt lợi thế của tự do hóa thương mại. Thứ hai, Việt Nam đã kết hợp tự do hóa bên ngoài với cải cách bên trong thông qua việc dỡ bỏ các rào cản và giảm chi phí kinh doanh. Cuối cùng, Việt Nam đã đầu tư mạnh vào vốn và nhân lực, chủ yếu thông qua các khoản đầu tư công.

Liên quan tới yếu tố đầu tiên, giới phân tích chỉ ra rằng Việt Nam đã ký hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do trong 20 năm gần đây. Năm 1995, Việt Nam đã gia nhập khu vực thương mại tự do ASEAN. Năm 2000, Việt Nam ký thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ. Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kể từ đó, các thỏa thuận với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và năm nay là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sửa đổi lần lượt ra đời. Hiệu quả cộng dồn từ tất cả các thỏa thuận này đã giúp giảm bớt hàng rào thuế quan đối với cả hàng nhập khẩu và xuất khẩu của Việt Nam.

Nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm hướng tới một nền kinh tế mở còn bao gồm các cải cách trong nước. Năm 1986, Việt Nam lần đầu ban hành Luật đầu tư Nước ngoài, cho phép các công ty nước ngoài vào Việt Nam hoạt động. Báo cáo của hãng luật Baker & McKenzie năm 2016 cho biết bộ luật đã được sửa đổi nhiều lần kể từ khi ra đời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và giảm thủ tục hành chính.

Những kết quả khả quan

Đồ thị cho thấy GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng gấp 10 lần trong vòng 30 năm. (Nguồn: Google, World Bank)
Đồ thị cho thấy GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng gấp 10 lần trong vòng 30 năm. (Nguồn: Google, World Bank)

Những nỗ lực của Việt Nam đã được ghi nhận trên các bảng xếp hạng quốc tế. Theo báo cáo về mức độ cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 77 năm 2006 lên vị trí thứ 55 trong năm 2017. Theo bảng xếp hạng về mức độ thuận lợi trong kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam từ vị trí thứ 104 năm 2007 đã tăng lên vị trí thứ 68 trong năm 2017. Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong tất cả các mặt, từ thực thi hợp đồng, tăng cường tiếp cận tín dụng, đóng thuế và trao đổi thương mại xuyên biên giới.

Yếu tố thứ ba làm nên sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam là việc đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực. Với lực lượng dân số gia tăng nhanh chóng, trong đó một nửa trong số 95 triệu dân đang ở độ tuổi dưới 35, Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục. Điều này là cần thiết vì dân số tăng lên đồng nghĩa với nhu cầu việc làm cũng tăng theo. Ngoài ra, Việt Nam cũng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, đảm bảo đông đảo người dân có thể tiếp cận Internet giá rẻ.

Theo học giảPeter Vanham, những khoản đầu tư của Việt Nam đã mang lại kết quả tích cực. Với mạng lưới cơ sở hạ tầng cơ bản và các chính sách thân thiện với thị trường, Việt Nam đã trở thành quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài và là trung tâm sản xuất của Đông Nam Á. Các công ty điện tử hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc và rất nhiều doanh nghiệp Mỹ, châu Âu đã đặt cơ sở tại Việt Nam. Financial Times nhận định tính đến năm 2017, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất trong khu vực và là nhà xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ hai, sau Singapore.

Kể từ năm 2010 đến nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam tối thiểu đạt 5%/năm và vào năm ngoái, con số này lên mức kỷ lục là 6,8%. Từ một trong những nước thuộc nhóm nghèo, Việt Nam vươn lên thành quốc gia có thu nhập trung bình. GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 1985 chỉ đạt 230 USD, trong khi con số này được thống kê vào năm 2017 là 2.343 USD, tức tăng gấp hơn 10 lần.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu như hiện nay, Việt Nam dường như là quốc gia được hưởng lợi hơn là bị tổn thương. Mặc dù Mỹ đã rút khỏi TPP, song các chính sách cứng rắn của nước này về thương mại có tác động tới Trung Quốc nhiều hơn là với Việt Nam. Việc chính quyền Mỹ áp thuế với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu đã khiến các công ty chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp phải đối mặt với khó khăn do chủ nghĩa bảo hộ của phương Tây, Việt Nam vẫn có thể trông cậy vào tầng lớp trung lưu để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển. Các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài vẫn luôn mong muốn mở rộng mạng lưới tại Việt Nam do sức mua của người dân ngày càng tăng.

“Điều này có nghĩa là một ngày nào đó, thay vì sự nhộn nhịp và hối hả của các cửa hàng nhỏ và xe máy, Việt Nam sẽ được biết đến với các trung tâm thương mại và xe ô tô. Còn bây giờ, Việt Nam vẫn đang phát triên với tốc độ của mình và theo cách riêng của mình”, học giả Peter Vanham kết luận.

Thành Đạt

Tổng hợp

Dòng sự kiện: Hội nghị WEF ASEAN 2018