1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

WEF ASEAN: Các nước tìm cách ứng phó với chiến tranh thương mại

(Dân trí) - Những lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt thuế với hàng hóa Trung Quốc đã trở thành chủ đề thảo luận của các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN đang diễn ra tại Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Việt Nam ngày 12/9 (Ảnh: AFP)
Các nhà lãnh đạo dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Việt Nam ngày 12/9 (Ảnh: AFP)

Theo AFP, căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đã gây ra những tác động trên phạm vi toàn cầu. Chủ đề này cũng được các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, khu vực với nhiều nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, theo dõi sát sao nhằm tìm ra phương án ứng phó và giành được lợi ích tốt nhất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh đã có động thái đáp trả tương xứng đối với Washington. Chưa dừng lại, ông Trump tuần trước tiếp tục tuyên bố sẽ tăng thuế để đánh vào 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ “sớm” thực hiện động thái này.

Theo AFP, cuộc chiến thương mại ngày càng “nóng” giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là một chủ đề được quan tâm tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), diễn ra từ 11-12/9 tại Hà Nội. Lãnh đạo của các quốc gia Đông Nam Á và lãnh đạo các doanh nghiệp đều tham gia sự kiện quan trọng này.

Ông Fred Burke, đối tác quản lý tại hãng luật Baker McKenzie ở Việt Nam, cho rằng các nước ASEAN đang xem căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là điều có lợi cho họ vì điều đó đồng nghĩa với việc các công ty sẽ chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á trong bối cảnh hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế.

Trước đó, giá nhân công tăng lên tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã thúc đẩy các doanh nghiệp tìm đến các thị trường mới như Việt Nam và Campuchia - nơi giầy Adidas, áo H&M và điện thoại Samsung được sản xuất với giá rẻ. Chiến tranh thương mại đã đẩy nhanh tiến trình này, thậm chí một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng chuyển cơ sở tới Đông Nam Á để sản xuất các mặt hàng từ phụ kiện xe đạp cho tới đệm nằm để tránh các lệnh áp thuế mới của Mỹ.

Mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể thúc đẩy đầu tư nước ngoài tại Đông Nam Á, song một số chuyên gia cảnh báo tác động về lâu dài của cuộc chiến này có thể không thực sự lạc quan.

“Có ý kiến quan ngại rằng chủ nghĩa bảo hộ không tốt đối với châu Á vì đây là khu vực trông cậy rất lớn vào hoạt động xuất khẩu, do vậy bất kỳ động thái nào dẫn đến sự gia tăng về rào cản thương mại đều không tốt”, ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế về châu Á Thái Bình Dương tại hãng nghiên cứu IHS Markit, nhận định.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà báo kinh tế Sri Jegarajah của CNBC cho rằng mối đe dọa từ cuộc xung đột thương mại toàn cầu đã tác động tới triển vọng phát triển của các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Singapore và Malaysia.

Theo báo cáo của WEF, giá trị thương mại của ASEAN đã tăng gần 1 nghìn tỷ USD từ năm 2007-2014 do sự tham gia tích cực của cả khối vào quá trình tự do hóa thương mại, ngược lại với các chính sách của Tổng thống Trump. Ông Trump từng rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi nhậm chức tổng thống.

Phát biểu tại phiên khai mạc ngày 12/9 của WEF, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh hội nhập kinh tế sâu rộng trong khuôn khổ ASEAN là điều kiện quan trọng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Theo ông, ASEAN sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để tăng cường hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ mặc dù hệ thống này đang gặp nhiều thách thức.

Thành Đạt

Theo AFP

Dòng sự kiện: Hội nghị WEF ASEAN 2018

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm