1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

“Làm chủ công nghệ mạng là yếu tố tiên quyết trong năng lực quân sự”

(Dân trí) - Chuyên gia Tim Huxley từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc làm chủ công nghệ mạng có thể nổi lên là yếu tố tiên quyết trong năng lực quân sự và các quốc gia không tận dụng được công nghệ sẽ khó bảo vệ được thành quả của mình.


Các diễn giả trong cuộc trao đổi về cán cân năng lực quân sự tại châu Á ngày 12/9 (Ảnh: An Bình)

Các diễn giả trong cuộc trao đổi về cán cân năng lực quân sự tại châu Á ngày 12/9 (Ảnh: An Bình)

Ông Huxley, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) khu vực châu Á, đã đưa ra nhận định như vậy trong phiên thảo luận về sự cân bằng quyền lực quân sự tại châu Á trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 12/9.

“Việc làm chủ công nghệ mạng có thể nổi lên là yếu tố tiên quyết chứng tỏ khả năng quân sự, có thể tạo ra khả năng hạ gục năng lực của đối thủ và sẽ chiến đấu ngay cả trước khi phát súng được bắn đi”, ông Huxley nói.

Chuyên gia IISS nói thêm, mối đe dọa an ninh trong ngành công nghiệp quốc phòng ảnh hưởng đến năng lực quân sự và các quốc gia không tận dụng được công nghệ sẽ không bảo vệ được các thành quả của mình.

Ông Huxley cũng cảnh báo có nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang trên phương diện kỹ thuật số và một cuộc chạy đua vũ trang như vậy sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng. Trong cuộc chạy đua này, sẽ có những quốc gia yếu thế hơn và cán cân quyền lực sẽ bị mất cân đối.

Đồng nhận định với ông Huxley, chuyên gia Robert Girrier, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương tại Mỹ, cũng phát biểu tại cùng sự kiện rằng ngành công nghiệp quốc phòng đã có những thay đổi và dịch chuyển nhất định. Các nước đã mua sắm thêm nhiều vũ khí như tàu ngầm, máy bay… Trong môi trường hiện nay, công nghệ mới nổi đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới quốc phòng. Các nước đã nâng cao tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực, áp dụng công nghệ cao. Công nghệ mới tạo điều kiện để các nước có các phương án riêng lẻ để tăng cường năng lực quân sự.

Năng lực quân sự không chỉ là mua sắm vũ khí

Nhận định về xu thế chi tiêu cho quốc phòng tại châu Á trong những năm gần đây, ông Huxley cho hay các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á đã gia tăng ngân sách mua sắm thiết bị quân sự trong bối cảnh nền kinh tế khu vực phát triển.

Chuyên gia IISS nhận định, khu vực Đông Nam Á có nhu cầu cao về khí tài hải quân và vận tải hàng không. Có nhiều nhà cung cấp các khí tài hải quân, vận tải hàng không cho khu vực, có các nhà cung cấp cũ từ Mỹ, Nga, nhưng cũng có những nhà cung cấp mới như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc… Việc sản xuất nhượng quyền để phát triển vũ khí như tàu chiến, tàu ngầm cũng đã xuất hiện.

Tuy nhiên, ông Huxley nhận định, năng lực quân sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ đơn thuần là việc mua sắm vũ khí.

“Báo chí thường chú ý tới các vụ mua sắm vũ khí đắt đỏ của các quốc gia châu Á. Nhưng năng lực quân sự là vấn đề phức tạp, và việc mua sắm các thiết bị mới không giúp các quốc gia có được các năng lực tức thì. Các yếu tố quan trọng khác về năng lực bao gồm ban lãnh đạo phù hợp, chế độ hậu cần, kinh nghiệm chiến đấu liên quan và sự tích hợp hoạt động giữa các dịch vụ và các nhánh quân sự”, ông Huxley nói.

“Trung Quốc vẫn không dừng mở rộng đảo nhân tạo”

Cũng trong cuộc trao đổi về cán cân quyền lực quân sự tại châu Á sáng nay, các chuyên gia đã nhận được nhiều câu hỏi về tình hình Biển Đông và cuộc cạnh tranh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.

Chuyên gia Huxley nhận định, nhờ tiềm lực về kinh tế, Trung Quốc đã mua sắm thêm các khí tài quân sự như máy bay chiến đấu, và bồi đắp, kiểm soát các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ông cho rằng trên Biển Đông, Trung Quốc không chỉ đưa ra các yêu sách về lãnh thổ mà còn tăng cường quyền lực trong khu vực.

“Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc ngừng mở rộng đảo nhân tạo và triển khai vũ khí tại các cơ sở này”, ông Huxley nhận định.

Trả lời câu hỏi về cáo buộc của Bắc Kinh về việc Mỹ quân sự hóa Biển Đông, ông Huxley cho hay mặc dù Mỹ không tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nhưng Mỹ tuân thủ các nguyên tắc tốt hơn nhiều so với các quốc gia đã tham gia công ước.

Chuyên gia Girrier cho rằng, tại vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, các nước phải tuân thủ và bảo vệ các nguyên tắc, tôn trọng pháp luật, các quyền tự do liên quan. Nếu các quốc gia không tuân thủ các nguyên tắc đó, việc duy trì các vùng biển “mở và tự do” có thể sẽ gây bất đồng và xung đột. Sự cạnh tranh giữa các nước là điều không tránh khỏi.

Ông Huxley nhận định rằng, các tương tác triển Biển Đông giờ đây không chỉ liên quan tới Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á, mà các nước khác gần đây cũng đang tham gia vào khu vực, như tàu hải quân Anh gần đây đi qua khu vực Biển Đông.

Chuyên gia Girrier cho rằng có những nguyên tắc là nền tảng cho cả khu vực và cần tạo điều kiện cho các quốc gia tham gia. Liên quan tới Biển Đông, ông cho rằng cần tính đến các giải pháp hòa bình, dân chủ và các cơ chế giải quyết xung đột.

An Bình

Dòng sự kiện: Hội nghị WEF ASEAN 2018

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm