1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ba Lan hy vọng NATO cho phép Warsaw bắn rơi tên lửa Nga tại Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Ba Lan nói rằng Warsaw kỳ vọng nước này có thể bắn rơi tên lửa Nga trên không phận Ukraine.

Ba Lan hy vọng NATO cho phép Warsaw bắn rơi tên lửa Nga tại Ukraine - 1

Một hệ thống phòng không khai hỏa (Ảnh minh họa: Reuters).

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski bày tỏ hy vọng rằng NATO sẽ cho phép Warsaw sử dụng hệ thống phòng không để bắn rơi tên lửa của Nga trên bầu trời Ukraine nếu chúng gây ra mối đe dọa cho Ba Lan.

Theo Paweł Wroński, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ba Lan, ông Sikorski trước đó đã kêu gọi lực lượng NATO tham gia đánh chặn tên lửa của Nga bay hướng tới Ba Lan qua lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, ông "đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích trong NATO" vì lập trường này.

"Như chúng ta đã biết, các nước NATO và Mỹ đã bày tỏ quan điểm tiêu cực về sáng kiến này. Nhưng Bộ trưởng Sikorski hy vọng lập trường này sẽ thay đổi", ông Wroński cho biết.

Trước đó, truyền thông phương Tây cho biết, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Mỹ đã thúc giục Tổng thống Joe Biden cho phép Ba Lan sử dụng hệ thống phòng không để bắn tên lửa Nga trên không phận Ukraine.

Sau đó, ông Sikorski cho biết: "Thật tốt khi thấy cả thành viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ đều ủng hộ đề xuất của Ba Lan".

Hồi tháng 8, Kiev cho biết sẽ thảo luận với các nước NATO về việc thành lập một liên minh bắn hạ tên lửa Nga trên lãnh thổ Ukraine. 

Vào tháng 9, NATO cảnh báo, bất cứ thành viên nào thuộc khối cũng không nên bắn hạ tên lửa, máy bay không người lái của Nga ở Ukraine bởi NATO không muốn trực tiếp tham gia vào một cuộc xung đột với Moscow.

"NATO hiện không phải là một phe tham gia vào cuộc xung đột hiện tại và cũng sẽ không làm điều đó", một phát ngôn viên của NATO cho biết, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của khối là ngăn chặn leo thang.

Mặc dù mỗi thành viên của khối đều có quyền bảo vệ không phận của mình, nhưng họ nên "cẩn trọng tham khảo ý kiến" với những bên còn lại khi làm như vậy, bởi nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ NATO, vị này cho hay.

Ukraine nhiều lần yêu cầu phương Tây bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái của Nga trong không phận của mình, vì hệ thống phòng không của họ đã bị suy yếu.

Ông Sikorski trước đó cũng từng ủng hộ ý kiến bắn hạ các mục tiêu của Nga trên bầu trời Ukraine.

"Khi tên lửa của đối thủ đang trên đường xâm nhập vào không phận của chúng ta, thì việc bắn hạ chúng là hành động tự vệ hợp pháp. Bởi, một khi chúng xâm nhập vào không phận, nguy cơ mảnh vỡ làm ai đó bị thương là rất lớn", ông Sikorski nói.

Warsaw và Kiev đã ký một hiệp ước quốc phòng vào tháng 7, trong đó có các cuộc thảo luận đều nhằm xem xét cơ sở lý luận cũng như tính khả thi của việc đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái Nga. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz vẫn khẳng định điều này sẽ không được thực hiện nếu không có sự chấp thuận của NATO.

Mặt khác, NATO cho biết họ tôn trọng chủ quyền của mọi thành viên trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, nhưng các bên cần tham vấn trước khi tiến hành bất kỳ điều gì đó có thể gây ra hậu quả cho cả khối.

Theo UP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine