1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba Lan đáp trả "tối hậu thư" của Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Ba Lan tuyên bố chưa bỏ lệnh cấm vận đối với nông sản Ukraine bất chấp Kiev dọa kiện Warsaw và một số nước khác ra tòa án quốc tế.

Ba Lan đáp trả tối hậu thư của Ukraine - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan phụ trách các vấn đề EU, ông Szymon Szynkowski vel Sek (Ảnh: Getty).

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan phụ trách các vấn đề EU, ông Szymon Szynkowski vel Sek, ngày 8/9 cho biết chiến thuật gây sức ép của Ukraine về lệnh cấm ngũ cốc Ukraine qua lãnh thổ Ba Lan là vô ích.

"Đây là một lời đe dọa, một chiến thuật gây sức ép nữa của phía Ukraine. Những yếu tố này đôi khi vượt ra ngoài ranh giới ngoại giao truyền thống của Ukraine", ông Szynkowski nói.

Ông khẳng định, Ba Lan không bị dao động bởi những cảnh báo của Ukraine bởi vì việc bảo vệ nông dân và người dân Ba Lan nói chung là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này.

Ông cho biết, Ba Lan không có ý định dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển ngũ cốc Ukraine qua lãnh thổ nước này.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 6/9 cảnh báo họ có thể kiện EU ra tòa án quốc tế nếu gia hạn lệnh cấm vận trên.

"Ukraine kịch liệt phản đối mọi hành động gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine... Chúng tôi sao có thể ngồi yên chấp nhận hành động vi phạm những gì các vị đã hứa với chúng tôi, vi phạm các điều kiện của thị trường tự do", ông Zelensky nói.

Ông cho biết thêm: "Nếu chúng tôi phải chiến đấu cho Ukraine, cho các nền tảng chung châu Âu tại tòa án trọng tài, chúng tôi cũng sẽ chiến đấu. Dù không muốn, nhưng chúng tôi buộc phải làm vậy. Nếu chúng tôi phải đấu tranh tại các tổ chức quốc tế, chúng tôi sẽ đấu tranh".

Mặc dù vậy, ông hy vọng sẽ không xảy ra cuộc chiến pháp lý giữa Ukraine và EU, những nước viện trợ lớn cho Kiev trong hơn một năm chiến sự vừa qua.

Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Slovakia đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu lúa mỳ, ngô, hạt cải dầu và hướng dương của Ukraine từ tháng 5. Lệnh cấm sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/9 tới. Tuy nhiên 5 thành viên EU này đang cân nhắc gia hạn lệnh cấm ít nhất đến cuối năm nay với lý do cần bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước.

Ukraine là một trong những nhà sản xuất ngũ cốc và dầu hướng dương lớn nhất thế giới, nhưng xuất khẩu của nước này bị hạn chế do Nga phong tỏa các cảng ở Biển Đen.

Để hỗ trợ Ukraine trong thời gian chiến sự, EU cho phép nhập khẩu không hạn chế ngũ cốc từ nước này. Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia trở thành tuyến đường trung chuyển ngũ cốc của Ukraine, vốn bị tồn kho với số lượng lớn do không thể xuất khẩu qua các cảng Biển Đen. EU cũng hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng ở 5 quốc gia này.

Tuy nhiên động thái này cũng kéo theo làn sóng biểu tình của nông dân ở nhiều nước châu Âu phản đối tình trạng dư thừa nông sản khiến họ lao đao do cạnh tranh về giá.

Ba Lan, Slovakia và Hungary đã tuyên bố họ sẽ đơn phương gia hạn cấm nhập khẩu nếu EU từ chối việc này.

Động thái này sẽ gây thêm sức ép đối với ngành xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh Nga đình chỉ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, một thỏa thuận vốn cho phép các tàu chở ngũ cốc ra vào cảng Ukraine an toàn.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm