Ông Putin nêu điều kiện hồi sinh thỏa thuận ngũ cốc
(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin ngày 4/9 khẳng định sẽ không hồi sinh thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen cho đến khi phương Tây tạo điều kiện cho hàng nông sản xuất khẩu của Nga.
"Chúng tôi sẽ sẵn sàng cân nhắc khả năng hồi sinh lại thỏa thuận ngũ cốc và chúng tôi cũng sẵn sàng làm điều đó ngay khi thỏa thuận dỡ bỏ giới hạn đối với hàng nông sản xuất khẩu của Nga được thực thi hoàn toàn", ông Putin tuyên bố trong cuộc hội đàm ngày 4/9 tại Sochi (Nga) với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian đàm phán, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có vai trò then chốt giúp đảm bảo nguồn cung lương thực toàn cầu, đặc biệt là đối với châu Phi và Trung Đông. Nga và Ukraine là 2 nước xuất khẩu lớn lúa mạch, lúa mì, dầu hạt hướng dương và các mặt hàng khác cần thiết cho các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, hồi tháng 7, Nga từ chối gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vì cho rằng các bên khác không tuân thủ cam kết loại bỏ rào cản đối với nông sản và phân bón xuất khẩu của Nga. Moscow còn nói các hạn chế đối với vận chuyển và bảo hiểm đã tác động tiêu cực tới thương mại nông nghiệp của mình.
Trong buổi họp báo ngày 4/9, ông Putin cũng cho hay Moscow đang tiến gần tới thỏa thuận đảm bảo cho xuất khẩu ngũ cốc của Nga tới 6 nước châu Phi thông qua Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Nhưng ông nói đây không phải là phương án thay thế cho thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
"Chúng tôi sắp hoàn tất thỏa thuận với 6 nước châu Phi, nơi chúng tôi dự định cung cấp lương thực miễn phí, thậm chí là miễn phí cả khâu vận chuyển và logistics", AFP dẫn lời ông Putin. "Công tác vận chuyển sẽ bắt đầu trong vài tuần tới".
Trong khi đó, ông Erdogan tỏ ra lạc quan và tin rằng có thể sớm tìm ra giải pháp để khôi phục thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc làm trung gian, bao gồm việc xóa những lỗ hổng còn lại.
"Chúng tôi tin rằng sáng kiến này nên được tiếp tục bằng cách loại bỏ những thiếu sót của nó. Trong bối cảnh ấy, chúng tôi đã chuẩn bị một gói đề xuất bao gồm các gợi ý mới sau quá trình tham vấn với Liên Hợp Quốc", ông nói khi đứng cạnh ông Putin.
"Tôi nghĩ có thể đạt được tiến triển. Với tư cách là Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được giải pháp đáp ứng mong đợi trong thời gian ngắn", ông Erdogan nói.
"Ukraine cần đặc biệt mềm mỏng trong cách tiếp cận của mình để có thể thực hiện các bước đi chung với Nga", ông Erdogan nói và bổ sung rằng ngũ cốc cần được chuyển đến châu Phi nhiều hơn, thay vì tới các nước châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đang tìm cách thuyết phục Nga quay trở lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Ông Erdogan, người đang cố cân bằng quan hệ với cả Moscow và Kiev kể từ khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022, cho rằng những giải pháp đang được đề xuất nhằm thay thế thỏa thuận ngũ cốc ban đầu sẽ "không thể mang lại giải pháp lâu dài".
"Các đề xuất thay thế được đề cập trong chương trình nghị sự không thể đưa ra một mô hình bền vững, an toàn và lâu dài dựa trên sự hợp tác giữa các bên như Sáng kiến Biển Đen", ông Erdogan khẳng định.
Từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc vào tháng 7, 4 con tàu chở hàng mắc kẹt tại các cảng của Ukraine đã có thể tránh được vòng phong tỏa của Hải quân Nga và rời khỏi Biển Đen nhờ bám theo tuyến đường biển mới.