1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ba kịch bản có thể xảy ra với cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Sau khi công nhận độc lập cho hai vùng ly khai của Ukraine, Nga ngày 24/2 tiếp tục mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây. Moscow liệu sẽ có bước đi tiếp theo nào trong cuộc khủng hoảng Ukraine?

Putin.jpeg

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Nga Vladimir Putin đầu tuần này đã ký sắc lệnh công nhận "độc lập, chủ quyền" của hai vùng ly khai Lugansk và Donetsk ở Donbass, miền Đông Ukraine và ra lệnh sẵn sàng cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến đây.

Đến sáng ngày 24/2, ông Putin đã phê chuẩn một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass để hỗ trợ hai khu vực ly khai ở Đông Ukraine. Câu hỏi đặt ra là bước đi tiếp theo của ông Putin là gì? Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine có thể leo thang tới mức nào?

Dưới đây là những dự đoán về 3 kịch bản có thể xảy ra với cuộc khủng hoảng này.

Thứ nhất, theo một số chuyên gia, Nga có thể chỉ dừng lại ở việc điều quân đến vùng lãnh thổ do lực lượng ly khai ở Đông Ukraine kiểm soát, trong khi tiếp tục gây sức ép với Kiev theo những cách khác.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng các bước đi tiếp theo của Moscow sẽ là gây sức ép lên Ukraine bằng nhiều cách khác nhau như phong tỏa các cảng của nước này dọc Biển Đen thay vì cố gắng kiểm soát ngay lập tức nhiều vùng lãnh thổ hơn. Bằng việc duy trì một cuộc khủng hoảng thường trực, Moscow có thể khiến Kiev dè chừng, đồng thời cho thấy các đồng minh phương Tây của Kiev chỉ là "hổ giấy", chỉ có thể hỗ trợ rất ít.

Trong khi đó, Nga đã đạt được một số mục tiêu lớn như buộc các đồng minh của NATO phải công khai thừa nhận họ sẽ không cử lực lượng đến bảo vệ Ukraine, và có được cam kết từ Belarus về việc cho phép một lực lượng quân sự lớn của Nga đồn trú vô thời hạn.

Reuters dẫn lời một chuyên gia nhận định, Belarus là một mắt xích quan trọng giúp thay đổi cán cân trong khu vực... Nó thay đổi hoàn toàn cách NATO phải bảo vệ các quốc gia vùng Baltic.

Ba kịch bản có thể xảy ra với cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine - 2

Lực lượng Nga gần thành phố Golovchino trong ảnh chụp vệ tinh ngày 23/2. Ảnh: Maxar.

Thứ hai, Nga có thể tìm cách mở rộng lãnh thổ do phe ly khai Ukraine kiểm soát nhưng vẫn có thể giới hạn quy mô xung đột ở miền Đông. Lực lượng ly khai kiểm soát chưa đến một nửa lãnh thổ hai tỉnh Donetsk và Lugansk.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin hôm 22/2 cho biết, Nga công nhận độc lập đối với toàn bộ lãnh thổ hành chính của tỉnh Donetsk và Lugansk trước khi ly khai, nghĩa là bao gồm cả phần lãnh thổ mà chính quyền Kiev đang kiểm soát tại 2 tỉnh này.

Reuters dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, một trong những mục tiêu mà Nga có thể nhắm tới là Mariupol, cảng chính ở miền Đông Ukraine. Việc kiểm soát khu vực này cho phép Nga kết nối bán đảo Crimea với khu vực ly khai Ukraine và giành quyền kiểm soát hoàn toàn vùng duyên hải Biển Azov - một mục tiêu chiến lược có thể giúp Moscow tăng sức ép kinh tế đáng kể với Ukraine.

Tuy nhiên, kịch bản mở rộng kiểm soát vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine được đánh giá là không mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho Nga.

Thứ ba, Nga có thể triển khai một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào Ukraine. Các nước phương Tây, đặc biệt Mỹ và Anh, nhiều tuần qua cảnh báo Nga có thể tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào toàn bộ Ukraine hoặc ít nhất vươn tới thủ đô Kiev.

Sau mệnh lệnh mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine vào sáng ngày 24/2, ông Putin tiếp tục khiến thế giới phải "đoán già, đoán non" về hành động tiếp theo của Nga trong những ngày tới.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine