1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bà Hillary Clinton hoan nghênh phán quyết về "đường chín đoạn"

(Dân trí) - Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 13/7 khẳng định bà hoan nghênh phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines - Trung Quốc, liên quan tới yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông. Một loạt các nghị sĩ Mỹ khác, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain, cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với phán quyết này.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (Ảnh: Getty)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (Ảnh: Getty)

Sau khi Tòa trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 công bố phán quyết khẳng định “không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử đối với các tài nguyên nằm trong các vùng biển thuộc “đường 9 đoạn” trên Biển Đông”, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton đã hoan nghênh phán quyết này và khẳng định Biển Đông đóng vai trò “quan trọng” đối với nền kinh tế Mỹ.

“Điều quan trọng đó là tất cả các bên (liên quan đến tranh chấp) phải tuân thủ phán quyết và tiếp tục theo đuổi các biện pháp hòa bình, đa phương để giải quyết tranh chấp”, Straitstimes dẫn lời bà Clinton cho biết.

“Mỹ dành mối quan tâm sâu sắc và trước sau như một đối với khu vực Biển Đông, cũng như đối với dòng chảy tự do thương mại - một điều quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ - đi qua vùng biển này”, cựu Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Thượng nghị sĩ John McCain lên tiếng về vụ kiện

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain (Ảnh: Reuters)

Đồng quan điểm với bà Clinton, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cũng hoan nghênh phán quyết của tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông, theo VOA.

“Chúng tôi hoan nghênh phán quyết ngày hôm nay của tòa trọng tài quốc tế trong vụ việc Philippines kiện Trung Quốc và coi phán quyết này mang tính ràng buộc với tất cả các bên liên quan”, ông McCain cho biết trong thông cáo, vài giờ sau khi tòa chính thức công bố kết quả của vụ kiện kéo dài 3 năm giữa Manila và Bắc Kinh.

“Với phán quyết này, Trung Quốc phải đối mặt với một lựa chọn. Trung Quốc có thể chọn cách được luật pháp quốc tế, các thể chế hoặc quy chuẩn quốc tế dẫn lối. Hoặc Trung Quốc có thể chọn cách chối bỏ những điều này, theo đuổi con đường hăm dọa và cưỡng ép. Những năm gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần chọn cách thứ hai. Thế giới sẽ dõi theo lựa chọn của Trung Quốc”, Thượng nghị sĩ McCain cho biết thêm.

Trong thông cáo, ông McCain cũng kêu gọi chính phủ Mỹ tiếp tục duy trì chính sách rõ ràng và nhất quán nhằm phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào của các bên với mục đích làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông thông qua việc cưỡng ép, hăm dọa, triển khai sức mạnh quân sự, ngăn cản các nước khác thực hiện quyền đối với các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, tham gia các hoạt động bồi đắp tại Biển Đông hay quân sự hóa các thực thế đã bồi đắp.

“Sau phán quyết của tòa, chúng tôi hy vọng rằng quân đội Mỹ tiếp tục đưa máy bay, tàu chiến hoạt động tại bất kỳ nơi nào mà luật quốc tế cho phép như cách chúng ta vẫn làm ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong hơn một thế kỷ qua, thách thức yêu sách biển quá đáng của Trung Quốc cũng như duy trì sự hiện diện thường xuyên của lực lượng tàu chiến và luân phiên triển khai các phương tiện hàng không bên trong chuỗi đảo thứ nhất. Ngoài ra, chính phủ Mỹ phải làm rõ lợi ích của mình ở Biển Đông, trong đó có việc ngăn cản việc cải tạo và quân sự hóa các khu vực chiến lược như bãi cạn Scarborough”, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ nhấn mạnh.

Các nghị sĩ Mỹ đồng loạt ủng hộ phán quyết của tòa

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker (Ảnh: Getty)
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker (Ảnh: Getty)

New York Times cho hay, ngoài bà Hillary Clinton và ông John McCain, một số nghị sĩ và quan chức cấp cao khác của Mỹ cũng đồng loạt bày tỏ quan điểm về phán quyết của tòa trọng tài quốc tế chiều qua.

Daniel Kritenbrink, quan chức cấp cao về chính sách châu Á tại Nhà Trắng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên quy tắc luật pháp tại Biển Đông. Ông Kritenbrink kêu gọi các bên chấp thuận phán quyết của tòa, đồng thời khẳng định Mỹ hoan nghênh mọi biện pháp hòa bình và tuân thủ luật quốc tế nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.

Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cũng là một trong số những chính trị gia ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế. Ông Corker nói Mỹ nên bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông bằng cách tiến hành các cuộc tuần tra trong khu vực. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Ben Cardin, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đưa ra bình luận rằng Mỹ nên “đưa máy bay, tàu chiến hoạt động tại bất kỳ nơi nào mà luật quốc tế cho phép”. Một thành viên của ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan, trong chiều qua cũng lên tiếng hoan nghênh phán quyết này.

Sau khi nghiên cứu phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông, Peter Navarro, giáo sư kinh tế và là cố vấn về các vấn đề liên quan tới Trung Quốc cho ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, nói: “Quyền tự do hàng hải và hàng không là nguyên tắc quan trọng trong một trật tự quốc tế được duy trì dựa trên những quy tắc luật pháp, và điều này cần được tôn trọng bởi tất cả các bên”.

Theo AP, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest chiều qua cho biết phán quyết của tòa nên được tôn trọng và thừa nhận như một kết luận cuối cùng và mang tính ràng buộc. Ông Earnest nói rằng các bên không nên dùng phán quyết này để leo thang căng thẳng. “Chúng tôi (Mỹ) chắc chắn sẽ hối thúc tất cả các bên không coi phán quyết này làm cơ hội để tiến hành các hoạt động leo thang và khiêu khích”, ông Earnest nói thêm.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm