Báo chí thế giới đồng loạt đưa tin về phán quyết vụ kiện Biển Đông
(Dân trí) - Ngay sau khi Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay, Hà Lan ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông trong chiều nay 12/7, trong đó khẳng định yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý, nhiều hãng tin lớn trên thế giới đồng loạt đưa tin về sự kiện này.
Ngày sau khi Tòa trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng để phản đối yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc, Reuters đăng tải bài viết với tựa đề: “Tòa trọng tài ở La Hay tuyên bố yêu sách của Trung Quốc là không có cơ sở” lên mục nổi bật của báo. Theo đó, Reuters dẫn thông báo từ tòa trọng tài khẳng định: “Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên nằm bên trọng “đường chín đoạn””.
Ngoài ra, Reuters cũng dẫn nguồn tin từ Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Tokyo hối thúc tất cả các bên trong vụ kiện tuân thủ phán quyết của tòa, đồng thời khẳng định Nhật Bản luôn coi trọng tầm quan trọng của các quy định luật pháp quốc tế cũng như việc thực thi các biện pháp hòa bình trong việc giải quyết tranh chấp hàng hải. Bên cạnh đó, Reuters cũng dẫn lời ông Ian Storey, chuyên gia tại Viện ISEAS - Yusof Ishak, Singapore, nhận định: “Phán quyết của tòa là một đòn giáng về pháp lý vào tuyên bố quyền tài phán của Trung Quốc tại Biển Đông”.
Đài CNN của Mỹ cũng nhanh chóng đưa tin về sự kiện quan trọng này bằng bài viết với tiêu đề: “Phán quyết của tòa trọng tài ủng hộ Philippines”. Bài viết về sự kiện này đã được đăng trên mục nổi bật của CNN. “Tòa trọng tài kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc”, CNN dẫn nguồn từ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế vừa công bố cho biết.
Đài BBC của Anh hôm nay cũng dành sự quan tâm lớn tới sự kiện được đánh giá là “vụ kiện thế kỷ” giữa Philippines - Trung Quốc và nhanh chóng đưa tin về phán quyết của vụ kiện này ngay sau khi tòa trọng tài ở La Hay công bố chính thức. Trong bài viết có tiêu đề “Yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông bị bác bỏ”, BBC dẫn kết luận của tòa rằng “Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines” và “Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường các rạn san hô” trong quá trình xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ngoài ra, BBC dẫn thêm nhận xét của Philippe Sands, luật sư đại diện cho Philippines trong vụ kiện, khẳng định đây là một "phán quyết rõ ràng và thống nhất".
Người dân Philippines hồi hộp chờ đợi phán quyết của tòa trọng tài quốc tế chiều nay 12/7 (Ảnh: Reuters)
Liên quan tới phán quyết của tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines, tờ CNA trong chiều nay cũng đăng tải một số nội dung chính của phán quyết trong bài viết có tựa đề: “Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền ở Biển Đông”. Bài báo có đoạn: “Tòa trọng tài quốc tế ở La Hay hôm nay 12/7 đã tuyên bố rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên tại Biển Đông. Tòa cũng kết luận rằng Trung Quốc đã xâm phạm quyền đánh cá của Philippines tại các vùng biển tranh chấp. Tòa khẳng định tuyên bố đòi quyền lịch sử dựa trên “đường chín đoạn” của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc”.
Là một trong số những tờ báo theo dõi sát sao tình hình vụ kiện Biển Đông và đưa tin trực tiếp về phán quyết của tòa trọng tài trong chiều nay, tờ Straitstimes đăng tải toàn bộ thông cáo báo chí của tòa trọng tài thường trực gửi các cơ quan truyền thông và báo chí về kết quả của vụ kiện Philippines - Trung Quốc, đồng thời trích dẫn những thông tin quan trọng nhất trong phán quyết của tòa. Straitstimes cũng dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết Philippines hoan nghênh thông báo về phán quyết của Tòa Trọng tài, nhấn mạnh rằng phán quyết của tòa đã củng cố hệ thống luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và điềm tĩnh.
“Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này bằng cách can thiệp vào việc khai thác dầu và cá của Philippines, xây dựng các đảo nhân tạo và không ngăn cản các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng EEZ”, trang tin RT của Nga dẫn phán quyết của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển chiều nay. RT cũng dẫn lời Ngoại trưởng Philippines cho biết: “Các chuyên gia của chúng tôi (Philippines) đang nghiên cứu phán quyết một cách cẩn trọng và kỹ lưỡng, điều mà kết quả quan trọng này xứng đáng nhận được".
Trong bản tin liên quan tới phán quyết của tòa trọng tài trong chiều nay, tờ Deutsche Welle của Đức dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk nhấn mạnh Trung Quốc cần tôn trọng hệ thống luật pháp quốc tế cũng như một trật tự thế giới được duy trì dựa trên nguyên tắc pháp luật.
Đài VOA của Mỹ cũng có loạt bài đưa tin xoay quanh sự kiện tòa trọng tài ở La Hay ra phán quyết vụ kiện Philippines - Trung Quốc sau 3 năm xét xử. Ngoài việc trích dẫn những thông tin cốt lõi trong phán quyết được công bố chiều nay của tòa, VOA cũng đề cập quan điểm của Mỹ về vấn đề này. Theo đó, VOA nêu lập trường của các quan chức cấp cao của Mỹ về việc hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết cuối cùng của tòa, đồng thời nhấn mạnh rằng phán quyết của tòa sẽ góp phần nâng cao tính hiệu quả của hệ thống pháp luật quốc tế hiện hành.
Hãng tin AP cũng nhanh chóng cập nhật kết quả của vụ kiện Biển Đông chiều nay, đồng thời dẫn lời một giáo sư về kinh tế chính trị châu Á nói rằng phán quyết của tòa trọng tài quốc tế “đã tạo ra một thời khắc chuyển mình” trong khu vực.
Tờ ABC News của Úc dẫn bình luận giáo sư Jonathan London từ Đại học Leiden rằng phán quyết của tòa “trao cho các quốc gia, những nước dành sự quan tâm tới các chuẩn mực quốc tế, điều gì đó để hướng đến và tin tưởng”.
Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế từ tháng 1/2013. Đơn của Philippines đề nghị phân xử 3 việc: làm rõ tính pháp lý của đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc ôm lấy một vùng rộng lớn ở Biển Đông; quy chế của những thực thể Trung Quốc chiếm đóng như các bãi cạn và các quyền hàng hải của chúng, và các hoạt động của Trung Quốc trong những nơi Philippines coi là vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông thông qua yêu sách “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò”, chồng lấn chủ quyền với nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Ngay từ đầu, Bắc Kinh đã ngang nhiên tuyên bố không thừa nhận thẩm quyền xét xử của tòa trọng tài quốc tế và cảnh báo sẽ phớt lờ phán quyết của tòa.
Thành Đạt
Tổng hợp