1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Armenia tung video siêu pháo Azerbaijan trút “mưa” hỏa lực

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Armenia đã công bố video quân đội Azerbaijan sử dụng hệ thống pháo TOS-1 giữa lúc căng thẳng.

Armenia tung video siêu pháo Azerbaijan phóng “mưa” hỏa lực

“Do lo sợ trước thiệt hại nặng nề cả về nhân lực và thiết bị quân sự, đối phương (Azerbaijan) đã sử dụng hệ thống pháo phản lực nhiệt áp hạng nặng TOS vào 7h30 sáng nay theo hướng đông nam. Phía Armenia không ghi nhận thiệt hại nào sau vụ tấn công này”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan ngày 28/9 cho biết.

Đoạn video do Bộ Quốc phòng Armenia công bố cho thấy hệ thống TOS-1 của Azerbaijan trút hỏa lực liên tiếp vào mục tiêu.

Hệ thống TOS bao gồm 24 ống phóng tên lửa, được đặt trên khung gầm xe tăng T-72. TOS phát huy hiệu quả tiêu diệt mục tiêu ở khu vực miền núi, phá công sự kiên cố và tòa nhà đô thị.

TOS-1A Solntsepyok là phiên bản nâng cấp của dàn pháo phản lực TOS-1 Buratino. Đây là một tổ hợp gồm các xe chiến đấu kết hợp với xe tiếp đạn được thiết kế để đánh bại kẻ địch ở những khu vực có địa hình hiểm trở mà các phương tiện lớn khó di chuyển.

Đại sứ Armenia tại Nga Vardan Toganyan cho biết khoảng 30 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng và 100 người khác bị thương trong các vụ đụng độ ở Nagorno-Karabakh. Armenia nói rằng Azerbaijan mất khoảng 200 lính, cùng 30 đơn vị pháo binh và 20 máy bay không người lái.

Về phần mình, Azerbaijan cho biết ít nhất 550 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc “phản công” của Azerbaijan. Armenia nhanh chóng bác bỏ thông tin này là “không có cơ sở”.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan hôm nay cho biết lực lượng vũ trang nước này đã phá hủy một số phương tiện tác chiến của Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh.

Cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Armenia và Azerbaijan nổ ra từ sáng 27/9, khi hai bên cáo buộc nhau tấn công trước vào các mục tiêu ở vùng Nagorno-Karabakh.

Nagorno-Karabakh là khu vực được cộng đồng quốc tế công nhận thuộc Azerbaijan. Tuy nhiên, khu vực này có đa số dân là người gốc Armenia nên muốn ly khai để sát nhập vào Armenia. Khu vực được Armenia hậu thuẫn về quân sự và tài chính. Tranh chấp chủ quyền đối với Nagorno-Karabakh giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã kéo dài nhiều năm nhưng cho tới nay vẫn chưa có hồi kết và xung đột thường xuyên xảy ra tại khu vực này.   

Dòng sự kiện: Xung đột Nagorno-Karabakh