AP: Tên lửa rơi xuống Ba Lan có thể do Ukraine phóng
(Dân trí) - Hãng tin AP dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho biết tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng hôm 15/11 có thể do Ukraine phóng.
AP dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, theo đánh giá sơ bộ, lực lượng Ukraine phóng tên lửa đánh chặn một tên lửa Nga đang lao tới trong bối cảnh Moscow oanh kích quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Tuy nhiên, tên lửa phòng không của Ukraine không đánh trúng mục tiêu và rơi xuống lãnh thổ Ba Lan.
Ukraine hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Trước đó, một tên lửa đã rơi xuống làng Przewodow của Ba Lan, gần biên giới Ukraine, khiến 2 người thiệt mạng hôm 15/11. Giới chức Ba Lan nói rằng, đây dường như là tên lửa "do Nga sản xuất" nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng liệu ai đã phóng nó.
Nga đã lên tiếng bác bỏ có liên quan, đồng thời cáo buộc đó là tên lửa phòng không của Ukraine. Kênh Telegram Mash của Nga đăng tải một bức ảnh cho thấy một mảnh vỡ tên lửa được cho là của hệ thống phòng không S-300 - tổ hợp sản xuất từ thời Liên Xô và Ukraine cũng sử dụng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng tên lửa rơi xuống Ba Lan ít có khả năng được phóng từ Nga.
"Có thông tin sơ bộ cho thấy điều trái ngược với nhận định đó", ông Biden nói trong cuộc họp báo tại Indonesia hôm nay 16/11, sau khi được hỏi về khả năng vụ nổ ở Ba Lan là do tên lửa Nga gây ra.
"Tôi không muốn khẳng định điều gì cho đến khi chúng tôi hoàn tất điều tra, tuy nhiên đường bay của tên lửa cho thấy ít có khả năng nó được phóng từ Nga. Chúng ta sẽ biết chuyện gì đã xảy ra", ông Biden nói thêm.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhận định, tên lửa rơi xuống lãnh thổ nước này "nhiều khả năng" do Nga sản xuất.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã triệu tập một hội nghị "khẩn cấp" gồm các quan chức cấp cao từ các quốc gia NATO, cũng như Nhật Bản, để thảo luận về vụ nổ bí ẩn ở Ba Lan. Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp, các nhà lãnh đạo cho biết họ đồng ý "hỗ trợ cuộc điều tra của Ba Lan" về vụ việc và sẽ "giữ liên lạc chặt chẽ để xác định các bước phù hợp tiếp theo".
Ba Lan - một thành viên của NATO - đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hội đồng an ninh quốc gia, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng báo động cao. Nhiều ý kiến cho rằng, Ba Lan có thể sẽ cân nhắc kích hoạt Điều 4 hoặc Điều 5 của Hiến chương NATO. Điều này làm dấy lên lo ngại xung đột ở Ukraine lan rộng sang nước láng giềng và NATO có thể bị cuốn vào xung đột.
Điều 4 của Hiến chương NATO nói rằng, theo ý kiến của bất kỳ quốc gia thành viên nào, liên minh này sẽ cùng nhau tham vấn mỗi khi sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh chính trị của một thành viên bị đe dọa. Trong khi đó, Điều 5 nêu rõ, các bên tham gia hiệp ước NATO nhất trí rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều quốc gia thành viên trong số họ ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ bị coi là tấn công chống lại tất cả khối NATO.