1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Áp lực bủa vây Ukraine trước chiến sự bế tắc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định Ukraine đang đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng khi họ chưa đạt được đà tiến như mong muốn trước Nga, trong khi hỗ trợ từ phương Tây lung lay.

Áp lực bủa vây Ukraine trước chiến sự bế tắc - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào mục tiêu của Nga ở Bakhmut (Ảnh: Getty).

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã sắp tiến tới năm thứ 2 và khi tâm lý mệt mỏi vì chiến sự ngày càng gia tăng ở phương Tây, áp lực dồn lên Ukraine cũng lớn theo.

Trong các phát ngôn kêu gọi gia tăng viện trợ, Ukraine liên tục chỉ ra những thành công trong quá khứ và các mục tiêu trong tương lai. Họ tuyên bố đã giành lại được khoảng một nửa lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát từ đầu cuộc chiến; họ đã làm tổn hại đến sự hiện diện của Moscow ở Biển Đen một cách chiến lược.

Tuy nhiên, tình hình thực tế lại không mấy khả quan cho Ukraine. Ở mọi hướng phản công, các thông tin liên quan tới Ukraine hầu như đều không quá tích cực.

Nga đang gia tăng đà tấn công ở mặt trận Donbass tại phía đông, trong khi ở chiến trường Đông Nam - nơi Kiev tập trung phản công từ tháng 6 - tình hình vẫn bế tắc trong thời gian qua.

Một trong những bước tiến tiềm tàng nhất của Ukraine là ở mặt trận phía nam khi họ giành được một đầu cầu ở tả ngạn sông Dnieper tại Kherson. Mặc dù vậy, để giữ được vùng đất nhỏ hẹp, không có nhiều giá trị về mặt chiến lược này, Ukraine phải chấp nhận thương vong cao cũng như thách thức về tuyến tiếp tế hậu cần.

Mặt khác, Ukraine đang phải đối mặt với các cuộc tấn công hỏa lực dồn dập từ Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng thiết yếu trong mùa đông.

Theo CNN, Ukraine đã trải qua một tuần lễ với những tin tức không mấy tích cực. Kiev đã giành được "thắng lợi chính trị" khi EU quyết định khởi động đàm phán kết nạp Ukraine.

Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu là thành viên chính thức, Ukraine có thể phải chờ nhiều năm và giới chuyên gia nhận định điều này chỉ có thể xảy ra sau khi cuộc chiến với Nga khép lại. Tuy nhiên, kịch bản này vẫn còn khá mơ hồ khi 2 bên vẫn còn chưa thể khởi động lại quá trình đàm phán. 

Mặt khác, EU cũng lộ ra bất đồng nội bộ trong việc ủng hộ Ukraine khi Hungary phản đối gói 55 tỷ USD nhằm viện trợ cho Kiev. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến Ukraine trong tương lai gần trong bối cảnh chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Volodymyr Zelensky trong tuần qua không đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Các nỗ lực thuyết phục để khơi thông thế bế tắc trong viện trợ của ông Zelensky tại chính trường Mỹ đã không thành công như kỳ vọng. Các cuộc tiếp xúc của ông với chính giới Mỹ là chưa đủ để thay đổi cục diện hiện tại.

Một số đảng viên Cộng hòa đề nghị Nhà Trắng cần phải mạnh tay hơn nữa để xử lý tình hình biên giới phía nam, cho rằng an ninh trên chính lãnh thổ Mỹ cần phải được ưu tiên.

Tình trạng bế tắc trên cả chiến trường lẫn sự ủng hộ của đồng minh đang đặt Ukraine vào thế khó.

"Không có viện trợ, chúng tôi khó cầm cự", một bác sĩ chiến trường Ukraine nói với CNN. Một số binh sĩ khác tỏ ra kiên cường hơn và khẳng định họ sẽ chiến đấu tiếp vì không còn lựa chọn nào khác.

Tuy nhiên, cơ hội để Ukraine tự lực cánh sinh chiến đấu thành công khi nền kinh tế kiệt quệ sau gần 2 năm chiến sự và cơ sở hạ tầng bị tàn phá, là thiếu tính khả thi.

Điều đó tiếp tục đẩy Ukraine vào thế khó trong việc đảm bảo nguồn lực trong cuộc chiến tiêu hao với Nga, trong bối cảnh Moscow đang tăng cường nỗ lực sản xuất quân sự và khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tới khi đạt được mục tiêu.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine