Mỹ nói đã dùng hết 96% ngân sách, sắp cạn kiệt viện trợ cho Ukraine
(Dân trí) - Nhà Trắng thừa nhận Mỹ đã chi hết 96% ngân sách mà Quốc hội thông qua để viện trợ cho Ukraine và họ chỉ còn lại tiền để chi tiêu tới hết tháng này.
Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cạn kiệt nguồn ngân sách được phê duyệt trước đó để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và chỉ còn lại 1 tỷ USD.
Phát biểu với các phóng viên hôm 13/12, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre giải thích rằng đây là số tiền còn lại cho phép Lầu Năm Góc mua vũ khí từ các nhà thầu tư nhân để thay thế các thiết bị đã gửi đến Kiev trước đó.
"Vậy là còn lại 1 tỷ USD. Khoảng 96% kinh phí đã được sử dụng. Và Bộ Quốc phòng đang chuẩn bị phân bổ 4% còn lại trong tháng này", bà Jean-Pierre nói thêm.
Bà lưu ý rằng khi số tiền này cạn kiệt, Mỹ sẽ không thể bổ sung vũ khí vào kho dự trữ của chính mình nhằm thay thế vũ khí đã được gửi đến chiến trường ở Ukraine. Bà nói thêm Washington hiện phải cung cấp lượng viện trợ quân sự nhỏ hơn cho Kiev khi ngân sách của nước này ngày càng eo hẹp.
Đầu tháng 11, chính phủ Mỹ cho biết đã cạn kiệt hoàn toàn Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI). Kể từ đó, chính quyền ông Biden phải dựa vào thẩm quyền của tổng thống, cho phép Mỹ chuyển vũ khí từ kho mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.
Quốc hội Mỹ tới nay vẫn bế tắc về việc tiếp tục viện trợ Ukraine khi một số đảng viên Cộng hòa muốn chính quyền ông Biden quyết liệt hơn nữa liên quan tới tình hình an ninh ở biên giới phía nam.
Hôm 12/12, sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Biden đã công bố viện trợ quân sự 200 triệu USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa đánh chặn, đạn dược. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nếu không có thêm kinh phí được thông qua, Washington sẽ "nhanh chóng cạn kiệt khả năng hỗ trợ Ukraine đáp ứng yêu cầu khẩn cấp liên quan tới hoạt động tác chiến".
Tổng thống Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Quốc hội phê chuẩn đề xuất tài trợ bổ sung trị giá 106 tỷ USD của ông, bao gồm khoảng 60 tỷ USD viện trợ cho Kiev. Tuy nhiên, phe Cộng hòa muốn an ninh ở biên giới phía nam phải được siết chặt hơn nữa. Hai bên chưa thể tìm được tiếng nói chung dẫn tới việc viện trợ cho Ukraine bị đình trệ.
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này sẽ chỉ kéo dài xung đột mà không làm thay đổi kết quả, đồng thời kéo các nước NATO vào thế đối đầu trực tiếp với Moscow.
Sau khi cuộc phản công của Kiev được phát động vào tháng 6 nhưng tới nay chưa đạt được nhiều tiến triển, Tổng thống Zelensky gần đây tiếp tục kêu gọi các nước viện trợ thêm vũ khí, nhất là từ Mỹ.
Quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine đã đưa ra "danh sách các loại vũ khí đáp ứng nhu cầu của lực lượng phòng thủ Ukraine" trong phiên họp kín của một hội nghị ở Washington hôm 6/12, theo Reuters.
Danh sách này đề cập một số khí tài có giá trị lớn như máy bay vận tải C-17 Globemaster và C-130 Super Hercules, trực thăng tấn công Apache và Black Hawk, tiêm kích F-18 "Hornet", 3 loại máy bay không người lái trong đó có MQ-9B Sky Guardian, và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).