Ảnh vệ tinh hé lộ khí tài Belarus triển khai sát biên giới Ukraine
(Dân trí) - Các tổ hợp tên lửa S-300, S-400, Pantsir và nhiều khí tài khác có thể đã được triển khai ở một căn cứ không quân Belarus gần biên giới Ukraine.
Nhóm giám sát quân sự độc lập Belaruski Hajun dẫn các ảnh chụp vệ tinh được cho là hình ảnh được cho là bên trong căn cứ không quân Zyabrovka tại Gomel, Belarus. Đây là ảnh vệ tinh ngày 7/1 của công ty phân tích quân sự có trụ sở tại Ba Lan Rochan Consulting.
Những bức ảnh mới nhất cho thấy một sư đoàn gồm 9 tổ hợp tên lửa S-300/400, mà theo các nhà phân tích, đã ở đó từ lâu, cũng như một hệ thống tên lửa Pantsir, nằm trên một bờ kè bằng đất. Ngoài ra, trong bức ảnh còn có các xe tải quân sự, một số tổ hợp radar mà Rochan Consulting xác định là loại 76N6 và 64N6E.
Theo nhóm Belaruski Hajun, các hình ảnh này một lần nữa khẳng định căn cứ không quân Zyabrovka tiếp tục là nơi đồn trú cho lực lượng của Nga - đồng minh thân cận của Belarus.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, một số ảnh vệ tinh cho thấy, số lượng binh sĩ và trang thiết bị của Nga tại căn cứ Zyabrovka có dấu hiệu tăng lên. Kể từ tháng 4, Nga, Belarus cũng bổ sung số lượng tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph ở đây cùng với các xe tăng, xe chiến đấu bộ binh.
Giới chức Ukraine lo ngại, Nga có thể tìm cách mở một đợt tiến công mới theo ngả Belarus sau khi liên tiếp chuyển binh sĩ, khí tài đến Belarus.
Theo nguồn tin đầu tháng này của Belaruski Hajun, khoảng 800 binh sĩ Nga đã tới Belarus bên trong 15 toa tàu vào đêm 5-6/1. Nga cũng điều thêm 3 chuyến tàu chở đầy thiết bị và nhân sự tới Belarus. Các thiết bị được nhìn thấy bao gồm khoảng 43 chiếc xe bọc thép KamAZ , Ural, BAZ-6306, 5 xe chở nhiên liệu, 2 khẩu pháo tự động phòng không ZU-23-2 và một số loại khác.
Nga và Belarus đã lập một lực lượng hiệp đồng để tăng cường an ninh ở biên giới. Tuy là một đồng minh của Moscow, nhưng Belarus khẳng định không có kế hoạch tham gia trực tiếp vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 11 và tiếp tục leo thang. Donetsk ở miền Đông Ukraine hiện giờ là mặt trận giao tranh khốc liệt và đẫm máu nhất.
Giới phân tích và quân đội Ukraine không loại trừ khả năng Nga điều động lực lượng đến Belarus nhằm thực hiện kế nghi binh, buộc Ukraine chuyển bớt nguồn lực từ mặt trận miền Đông, miền Nam đến biên giới phía bắc.
Hồi tháng 9, Nga buộc phải rút quân khỏi tỉnh Kharkov ở Đông Bắc Ukraine sau khi vấp phải đà phản công mạnh của Kiev. Tuy nhiên, những ngày gần đây, Nga có dấu hiệu tập kích mạnh trở lại khu vực này.
Theo một số chuyên gia, mục tiêu chiến dịch của Nga vẫn không thay đổi là kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass, miền Đông Ukraine, lập hành lang trên bộ đến Crimea - bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014.