1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ảnh nghi là gậy sắt hàn đinh Trung Quốc dùng trong ẩu đả với Ấn Độ

(Dân trí) - Một quan chức Ấn Độ gửi cho truyền thông hình ảnh được cho là vũ khí mà binh sĩ Trung Quốc có thể đã dùng để tấn công phía Ấn Độ trong cuộc đối đầu ở biên giới gần đây.

Ảnh nghi là gậy sắt hàn đinh Trung Quốc dùng trong ẩu đả với Ấn Độ - 1

Hình ảnh nghi là thanh sắt gắn đinh mà phía Trung Quốc sử dụng trong cuộc đối đầu với quân nhân Ấn Độ ở khu vực tranh chấp chủ quyền ngày 15/6. (Ảnh: BBC)

Ngày 15/6, quân nhân Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra ẩu đả ở khu vực thung lũng Galwan, Ladakh. Các nguồn tin nói rằng cuộc giao tranh không dùng súng và các vũ khí mà 2 bên sử dụng là đá, gậy gỗ, thanh sắt.

Phía Ấn Độ xác nhận họ bị mất 20 quân nhân sau vụ việc, trong khi, Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng về số thương vong. Truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn tin nói rằng Bắc Kinh có thể đã có 43 người thiệt mạng hoặc bị thương.

Căng thẳng giữa 2 bên đã leo thang trong khi cả New Delhi và Bắc Kinh đều cáo buộc bên còn lại xâm phạm lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền.

BBC đã đăng tải một hình ảnh được cho là vũ khí mà phía Trung Quốc đã dùng trong cuộc đụng độ chết người với phía Ấn Độ. Hình ảnh cho thấy những thanh bằng sắt có gắn các đinh nhọn.

BBC nói rằng họ được gửi hình ảnh này từ một quan chức cấp cao Ấn Độ phụ trách vấn đề biên giới với Trung Quốc. Quan chức này nói rằng đây là vũ khí mà Trung Quốc đã dùng.

Bức ảnh sau khi được đăng tải lên Twitter đã khiến cộng đồng mạng của Ấn Độ phẫn nộ. Trong khi đó, giới chức chức Ấn Độ và Trung Quốc chưa chính thức lên tiếng về bức ảnh này.

Trong cuộc giao tranh đêm 15/6, các quân nhân 2 bên được cho đã đối đầu nhau khu vực núi cao tới 4.300 mét và một số người đã rơi xuống sông Galwan trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 độ C.  

Đây được xem là lần đầu tiên trong 45 năm qua, một vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ gây chết người.

Theo BBC, hai bên không sử dụng súng và thuốc nổ trong các cuộc tranh chấp biên giới là do họ đã có thỏa thuận với nhau vào năm 1996 nhằm tránh làm căng thẳng leo thang nghiêm trọng hơn.

Đức Hoàng

Theo BBC