1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Ăn miếng, trả miếng” ở Crimea

(Dân trí) - Phương Tây đã lên sẵn 3 kịch bản trừng phạt Nga, tùy theo hành động của nước này sau cuộc trưng cầu dân ý tại Cộng hòa tự trị Crimea. Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố đã có các biện pháp “ăn miếng, trả miếng” một khi bị phương Tây trừng phạt.

Người Crimea đã bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập vào Nga.

Người Crimea đã bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập vào Nga.

Việc chuẩn bị các phương án trừng phạt đã được phương Tây bắt tay thực hiện ngay sau khi những căng thẳng ở thủ đô Kiev bắt đầu “chuyển vùng” về Cộng hòa tự trị Crimea với những kết cục được giới lãnh đạo Mỹ và châu Âu thừa nhận là “khó có thể đảo ngược” cho dù họ không công khai nói ra.

Cả 3 phương án này đều có một điểm chung là bán đảo Crimea chắc chắn sẽ đồng ý ly khai khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 16/3. Cái khác chỉ là những lựa chọn tiếp theo của Nga và biện pháp đáp trả tương ứng của Mỹ và châu Âu.

Phương án thứ nhất là Nga không đồng ý cho Crimea sáp nhập với tư cách là một chủ thể độc lập. Đây là phương án lý tưởng nhất đối với phương Tây hiện nay khi mà kết quả bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 gần như không thể đảo ngược.

Trong kịch bản này, quan hệ Nga - phương Tây sẽ ít bị phương hại nhất. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Mátxcơva chỉ mang tính hạn chế theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” cho dù việc đóng băng quan hệ sẽ không thể được hủy bỏ ngay. Theo dự tính của phương Tây, việc đóng băng quan hệ với Nga sẽ được kéo dài cho tới khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-8) tại Sochi vào tháng 6 tới.

Phương án thứ hai là Mátxcơva đồng ý để Crimea trở thành một thực thể trong Liên bang Nga. Đây là kịch bản phương Tây không mong muốn xảy ra nhưng lại có khả năng cao nhất.

Trong trường hợp này, Mỹ và châu Âu sẽ áp dụng toàn bộ các lệnh cấm nhập cảnh và phong toả các tài khoản của Nga ở nước ngoài. Những người chịu thiệt hại nhiều nhất sẽ là quan chức cấp cao Thượng viện, Hạ viện, lãnh đạo các tập đoàn nhà nước và giới doanh nhân thân cận với điện Kremlin.

Ngoài ra, hợp tác quân sự cũng sẽ bị đóng cửa hoàn toàn, kể cả việc ban hành lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đối với Nga. Trên mặt trận ngoại giao, các nước G-8 sẽ xoá tên Nga khỏi danh sách và tẩy chay mọi hoạt động quốc tế do Mátxcơva đăng cai tổ chức.

Phương án thứ ba nghiêm trọng nhất nhưng có thể chưa xảy ra ngay. Đó là Nga vừa đồng ý sáp nhập Crimea, vừa đẩy mạnh can dự vào cách tỉnh miền Đông của Ukraine, nơi có đông người Nga sinh sống để chuẩn bị cho các hoạt động can dự sâu hơn trong tương lai. Nếu phương án này xảy ra, Mỹ và châu Âu sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt hà khắc nhất có thể, thậm chí không loại trừ khả năng Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt như Iran.

Tuy nhiên, đấy chỉ là cách nhìn nhận và tính toán của phương Tây. Còn với Nga, nước này có đầy đủ những quân bài chiến lược đáp trả, khiến cho những đòn trừng phạt của phương Tây không chỉ có tác động một chiều.

Quân bài đầu tiên mà Mátxcơva xem xét áp dụng là khóa van đường ống khí đốt và ngừng các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sang Ukraine cũng như châu Âu.

Mặc dù đây là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, đóng góp phần lớn cho ngân sách liên bang song xét về tổng thể, quyết định này sẽ gây thiệt hại cho Ukraine và châu Âu lớn hơn nhiều so với những gì Mátxcơva phải gánh chịu.

Theo thống kê, Nga hiện đang cung cấp 1/3 số khí đốt của châu Âu, 1/3 số dầu mỏ và 1/4 số than đá. Số dầu mỏ và khí đốt này chiếm tới hơn một nửa tổng lượng xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, là quốc gia liên tục phát triển từ nhiều năm qua và có lượng dự trữ ngoại tệ lớn, những tác động đối với Nga khi ngừng xuất khẩu nhiên liệu sang châu Âu sẽ không nguy hiểm và cấp bách bằng việc “châu lục già” sẽ bị chết cóng trong mùa đông, dù Mỹ đã quyết định mở kho dầu dự trữ chiến lược để bù đắp phần nào khoản thiếu hụt.

Quân bài thứ hai chắc chắn cũng sẽ được Nga tính đến là chấm dứt, thay vì chỉ đóng băng, khoản hỗ trợ 15 tỷ USD cho Ukraine.

Lý do để nước Nga đưa ra cho quyết định này là khoản hỗ trợ trên chỉ có hiệu lực đối với chính quyền của Tổng thống hợp hiến Viktor Yanukovych. Còn với chính phủ lâm thời hiện nay, họ không có đủ tư cách pháp lý để tiếp nhận các khoản hỗ trợ từ Mátxcơva. Thậm chí, việc có xem xét nối lại khoản hỗ trợ này hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào thành phần chính quyền mới ở Kiev, sẽ được thành lập sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 25/5 tới. Một chính phủ thân phương Tây chắc chắn sẽ khó có cơ hội nhận được “cành ô lưu” từ điện Kremlin cho dù dưới bất kỳ điều kiện gì. 

Quân bài thứ ba là Mátxcơva sẽ yêu cầu Kiev phải thanh toán ngay các khoản nợ ngập đầu hiện đã lên tới 1,55 tỷ USD từ các hợp đồng mua khí đốt trong năm 2013 và quý đầu năm nay.

Mặc dù Mỹ và châu Âu đã tỏ ra rộng rãi bất ngờ khi quyết định sẽ viện trợ cho Kiev lần lượt 2 tỷ và 11 tỷ USD nhưng để nhận được số tiền này, Kiev chắc chắn sẽ phải bước qua hàng loạt cửa ải với rất nhiều điều kiện đi kèm. Trong khi đó, để thanh toán số nợ cho Nga và đưa kinh tế thoát khỏi phá sản đòi hỏi chính quyền Ukraine phải có ngay trong tay khoản tiền rất lớn. Số tiền này ước tính lên tới 35 tỷ USD và gấp nhiều lần con số mà phương Tây đang hứa hẹn.

Quân bài thứ tư là Nga sẽ xoáy vào mâu thuẫn trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) bằng cách lợi dụng những tác động khác nhau từ chính lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nước Nga. Điểm mấu chốt trong quân bài này là nước Đức, nền kinh tế đầu tàu EU nhưng lại đang lệ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng của Nga. Nếu đồng ý đóng băng quan hệ với Nga, Đức không chỉ mất đi nhà cung cấp năng lượng số một mà còn cả thị trường tiêu thụ ô tô lớn lớn thứ tư của mình. Vì vậy, Nga hoàn toàn có thể sử dụng Berlin làm điểm tựa cho việc bác lại các ý định trừng phạt từ trong chính nội bộ EU và ngay cả với Mỹ.

Quân bài tiếp theo được Nga tính đến là hối thúc sự vùng lên của các lực lượng ủng hộ Nga ở phía Đông Ukraine và các quốc gia khác thuộc không gian hậu Xô Viết. Đây là kịch bản phương Tây lo ngại nhất vì nó không chỉ tác động đến các chuyển động chính trị ở không gian này, mà còn có thể dẫn tới việc vẽ lại bản đồ thế giới. Mục tiêu tối thiểu của Nga là các nước trong không gian hậu Xô Viết nếu không nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga thì cũng sẽ phải đứng ngoài quỹ đạo của phương Tây chứ không thể trở thành vùng đệm cho phương Tây thực thi kế hoạch “Đông tiến”.

Với những toan tính “ăn miếng, trả miếng” lẫn nhau đó, cuộc khủng hoảng ở Ukraine với đỉnh điểm là cuộc trưng cầu dân ý ở Cộng hòa tự trị Crimea xem ra sẽ không phải là điểm kết thúc, mà thực chất là sự khởi đầu mới cho những cuộc “so găng” nguy hiểm hơn giữa Nga và phương Tây trong thời gian tới.

Đức Vũ