1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phong trào đòi gia nhập Nga giống Crimea lan rộng ở đông Ukraine

(Dân trí) - Hàng nghìn người biểu tình có tư tưởng thân Nga hôm qua đã xuống đường, chiếm đóng một số tòa nhà chính phủ tại một số khu vực phía đông Ukraine để đòi quyền trưng cầu dân ý, gia nhập liên bang Nga, giống Crimea. Xô xát với cảnh sát đã xảy ra.

Theo hãng tin AFP, tại thành phố Donetsk, nơi bạo lực đã tái bùng phát hồi tuần trước, khoảng 4000 người biểu tình thân Mátxcơva đã tụ tập để thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea. Họ hô vang khẩu hiệu “Donetsk, Crimea, Nga”.

Người biểu tình Ukraine mang theo biểu ngữ đòi gia nhập Nga
Người biểu tình Ukraine mang theo biểu ngữ đòi gia nhập Nga

Những người biểu tình đã tuần hành tới trụ sở chính của cơ quan công tố Donetsk, đập vỡ cửa sổ và tiến vào chiếm tòa nhà này trong thời gian ngắn.

Những người này cũng tấn công trụ sở của cơ quan tình báo SBU của Ukraine trong ngày thứ hai liên tiếp, yêu cầu phóng thích “tỉnh trưởng” tự phong của Donetsk là Pavel Gubarev, người bị bắt giữ vì tư tưởng ly khai cách đây 10 ngày.

Xa hơn về phía Bắc tại Kharkiv, chỉ cách biên giới Nga chưa tới 40km, khoảng 6000 người biểu tình có tư tưởng thân Nga đã bất chấp lệnh cấm biểu tình, để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý có tính biểu tượng, và tuần hành vì quyền tự trị rộng rãi hơn, và “chủ quyền” cho tiếng Nga.

Các nhà tổ chức đã phát đi những lá phiếu mà người biểu tình có thể “bỏ” vào các túi nylon, để yêu cầu quyền tự trị rộng rãi hơn cho khu vực gồm đa số người nói tiếng Nga.

“Nước Nga!”, “Trưng cầu dân ý” và “Crimea, chúng tôi sát cánh bên các bạn” là những từ được người biểu tình hô vang, sau khi truy đuổi và la ó một quan chức tư pháp, người đã tới để thông báo rằng cuộc biểu tình bị cấm.

Những người này cũng dựng một lá cờ Nga có chiều ngang tới 100m bên ngoài tòa nhà cơ quan hành chính của vùng, trong khi cảnh sát chống bạo động đứng nhìn.

Donetsk và Kharkiv đều đã chứng kiến bạo lực đẫm máu trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần qua, với 3 người bị sát hại trong các cuộc đụng độ. Đây là những vụ thương vong đầu tiên kể từ sau khi Tổng thống thân Nga của Ukraine, ông Viktor Yanukovych, bị lật đổ.

Các cuộc tuần hành ngày Chủ nhật diễn ra giữa lúc người Crimea đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga.

Kết quả bỏ phiếu được công bố cho thấy hơn 95% cử tri đã lựa chọn sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ Nga.

“Nếu người Crimea muốn trưng cầu dân ý và sống độc lập, thì đó không phải một tội ác”, Larisa, một phụ nữ ngoài 50 tuổi khẳng định tại cuộc tuần hành ở Donetsk.

Một người biểu tình khác tại thành phố của những công nhân mỏ này khẳng định toàn thể người dân muốn có quyền lên tiếng.

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình tại Donetsk
Cảnh sát đụng độ với người biểu tình tại Donetsk

“27 triệu người tại Ukraine coi Tổng thống Mỹ Obama là bạo chúa, bởi ông ta ủng hộ cho chính phủ mới ở Kiev, và không để cho chúng tôi có được sự dân chủ”, Sergiy Yazhgunovich, một doanh nhân 30 tuổi nói. “Tổng thống Vladimir Putin ủng hộ dân chủ, ông ấy muốn tổ chức trưng cầu dân ý”.

Trong khi phía Tây Ukraine cũng như thủ đô Kiev hầu hết là cộng đồng người nói tiếng Ukraine và thân phương Tây, các khu vực phía Đông và Nam nước này, bao gồm Crimea, có đa số người dân nói tiếng Nga và muốn thân thiết hơn với Mátxcơva.

Oleksandr, 56 tuổi, thừa nhận rằng Donetsk có thể không đi theo con đường của Crimea, “nhưng chúng tôi sẽ cần một dạng trưng cầu dân ý nào đó để biết mọi người muốn gì”.

“Tôi sẽ không nói rằng nhiều người ở đây muốn chạy về phía Nga, nhưng mọi người muốn độc lập hơn, có nhiều quyền hơn”, người làm việc trong ngành IT này nói.

Viễn cảnh xấu

Trong một cuộc điện đàm với thủ tướng Đức Angela Merkel hôm Chủ nhật, Tổng thống Nga Putin “một lần nữa bày tỏ sự lo ngại về căng thẳng tại các khu vực phía Đông Nam và Nam Ukraine bị thổi bùng bởi các nhóm cực đoan, với sự thông đồng của giới chức Kiev”, điện Kremlin tuyên bố.

Mátxcơva đã liên tục cáo buộc chính quyền mới tại Kiev và những người biểu tình lật đổ ông Yanukovych là những người cực đoan, dân tộc chủ nghĩa, thậm chí là “phát xít”.

Ông Igor Todorov, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học quốc gia Donetsk thì cho rằng, bất kỳ nỗ lực nào để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại thành phố này sẽ là thảm họa.

“Sẽ là viễn cảnh xấu cho Donetsk nếu tổ chức với sự giúp đỡ của “các hành động quy mô khổng lồ của những du khách Nga” để thiết lập một chính quyền khu vực, nhằm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý giống như Crimea, bởi sau đó tình hình sẽ còn leo tháng”, ông Todorov phát biểu với AFP. “Đang có nguy cơ bất ổn, tàn phá thế giới hiện đại và yên bình này”.

Thanh Tùng
Theo AFP