1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hạ viện Nga đồng ý sáp nhập Crimea

(Dân trí) - Crimea đang tiến gần tới việc chính thức trở thành thực thể thuộc Liên bang Nga sau khi Hiệp ước sáp nhập được Duma quốc gia Nga thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối. Cùng lúc, điện Kremlin công bố biện pháp trả đũa các đòn trừng phạt của Mỹ.

Những người thân Nga ăn mừng tại quảng trường Lenin ở Simferopol, thủ phủ của Crimea.

Những người thân Nga ăn mừng tại quảng trường Lenin ở Simferopol, thủ phủ của Crimea.

Việc thông qua Hiệp ước sáp nhập Crimea được tiến hành trong phiên họp ngày 20/3 của Duma quốc gia (Hạ viện), cơ quan quyền lực cao nhất của Liên bang Nga, với 443 phiếu thuận và 1 phiếu chống.

Đây được coi là một bước tiến lớn mở đường cho việc đưa bán đảo Crimea sớm trở lại với “đại gia đình” Nga sau hơn 60 năm “lưu vong”.

Theo kế hoạch, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga cũng sẽ tiến hành một phiên bỏ phiếu tương tự trong cuộc họp ngày 21/3 để hoàn tất việc phê chuẩn hiệp ước lịch sử đã được Tổng thống Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo Crimea ký ngày 18/3.  

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga ra đòn phản công đầu tiên trước các lệnh trừng phạt trước đó của chính phủ Mỹ.

Theo đó, Nga cũng áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 10 quan chức Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ J.McCain, cố vấn cấp cao của Tổng thống Obama D.Pfeiffer và trợ lý hàng đầu về kinh tế quốc tế C.Atkinson.

Giới chức quân sự Nga thì tuyên bố sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại Crimea.

“Việc phát triển cơ sở hạ tầng quân sự tại bán đảo Crimea là cần thiết vì vùng lãnh thổ này sẽ là một đại diện quan trọng của Liên bang Nga và được bảo vệ trước mọi sự xâm lấn tiềm tàng”, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov nói.

Trên thực địa, lực lượng thân Nga ở Crimea đã khống chế hai tàu chiến của Ukraine ngay sau khi thả Tư lệnh hải quân Ukraine Sergiy Gayduk cùng một số con tin khác. Chuẩn đô đốc Gayduk bị bắt giữ trong vụ tấn công ngày 19/3 vào một căn cứ hải quân ở thành phố Sevastopol, nơi đặt đại bản doanh Hạm đội Biển Đen của Nga.

Những diễn biến mới nhất này đang đặt cả Nga, Ukraine và phương Tây vào một cuộc đối đầu căng thẳng có nguy cơ dẫn tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhất là khi Mỹ và nhiều nước châu Âu cũng tuyên bố đang cân nhắc đưa ra “các biện pháp trừng phạt giai đoạn 3” đối với Mátxcơva.

Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 20-21/3 tại Brussel, các nhà lãnh đạo của khối sẽ cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn. Theo nhà lãnh đạo Đức, có thể các nguyên thủ và người đứng đầu các chính phủ EU sẽ củng cố các biện pháp trừng phạt giai đoạn 2 bằng cách mở rộng danh sách các cá nhân bị hạn chế nhập cảnh và phong tỏa tài sản do có liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Trong khi đó, Pháp tuyên bố để ngỏ khả năng hủy hợp đồng bán 2 tàu chiến lớp Mistral cho Nga, nhưng sẽ đợi tới thời điểm bàn giao vào tháng 10 mới đưa ra quyết định chính thức. Hợp đồng này được hai bên ký năm 2011 với tổng trị giá 1,2 tỷ euro, giúp tạo ra khoảng 1.000 việc làm tại Pháp.  

Ngoài việc cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt, các nước châu Âu cũng đang lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Theo một tài liệu của chính phủ Anh, châu Âu đang đề nghị Mỹ tăng cường xuất khẩu khí đốt, đồng thời cân nhắc thúc đẩy hợp tác năng lượng với Iraq và một số đối tác chiến lược khác.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thì đang tất bật cho chuyến công du lần lượt tới Nga và Ukraine để khuyến khích các bên tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng. Chuyến thăm được tiến hành sau khi Hội đồng Bảo an tiến hành phiên họp thứ 8 liên tiếp về tình hình Ukraine nhưng không thể đi đến đồng thuận do lập trường quá khác biệt giữa các bên.

Vũ Anh
Tổng hợp