1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ sắp xây đường hầm gần biên giới Trung Quốc giữa lúc căng thẳng

(Dân trí) - Ấn Độ dự kiến sẽ xây dựng hai đường hầm xuyên qua đèo Sela cao hơn 4.000 m ở phía tây bang Arunachal Pradesh giáp biên giới với Trung Quốc và rút ngắn khoảng cách với quốc gia láng giềng.

Lính Ấn Độ đứng gác tại khu vực giáp biên giới Trung Quốc ở Arunachal Pradesh (Ảnh: PTI)
Lính Ấn Độ đứng gác tại khu vực giáp biên giới Trung Quốc ở Arunachal Pradesh (Ảnh: PTI)

Theo Indian Express, Tổ chức Đường Biên giới (BRO) dự kiến sẽ xây dựng hai đường hầm dài 475 m và 1.790 m xuyên qua đèo Sela cao 4.170 m ở phía tây bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ.

“Các đường hầm sẽ giúp giảm 1 giờ đi lại giữa trụ sở của quân đoàn 4 của Lục quân Ấn Độ ở Tezpur với khu vực Tawang. Hơn nữa, các đường hầm cũng sẽ đảm bảo quốc lộ NH13, đặc biệt là đoạn đường dài 171 km giữa Bomdila và Tawang có thể được tiếp cận trong mọi điều kiện thời tiết”, thông cáo báo chí của BRO ngày 24/7 cho biết.

Ngoài ra, việc xây dựng 2 đường hầm tại Arunachal Pradesh cũng sẽ rút ngắn khoảng cách 10 km từ khu vực Tawang thuộc bang Arunachal Pradesh tới khu vực giáp biên giới Trung Quốc.

Dự án xây dựng hai đường hầm trên cũng nhằm đẩy nhanh quá trình kết nối với khu vực Tây Tạng, Trung Quốc thông qua địa hình hiểm trở ở phía Đông dãy Himalaya.

Bên cạnh đó, hai đường hầm sau khi được xây dựng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của binh lính Ấn Độ, đặc biệt vào mùa đông khi hiện tượng tuyết rơi dày có thể cản trở việc kết nối các tuyến đường ở khu vực này.

Hiện BRO, đơn vị chuyên quản lý các tuyến đường được xây dựng ở khu vực biên giới Ấn Độ, đã hoàn tất các chi tiết kỹ thuật của dự án xây dựng hai đường hầm và sẽ sớm triển khai dự án trong thời gian tới.

Thông tin về việc Ấn Độ xây dựng các đường hầm giáp biên giới với Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang gặp nhiều căng thẳng liên quan tới việc tranh chấp ở khu vực biên giới Sikkim.

Căng thẳng bắt đầu leo thang hồi giữa tháng trước sau khi Trung Quốc cáo buộc binh sĩ Ấn Độ ngăn cản quân đội nước này xây dựng một con đường ở cao nguyên Doklam, nằm ở khu vực giữa biên giới Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan - một đồng minh của Ấn Độ.

Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Ấn Độ rút quân khỏi biên giới, coi đây là điều kiện tiên quyết để bắt đầu các cuộc đàm phán song phương. Về phần mình, Ấn Độ cho đến nay vẫn giữ quan điểm hòa hoãn, kêu gọi đối thoại với điều kiện hai bên cùng rút quân.

Thành Đạt

Tổng hợp