1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

AirAsia - "người tiên phong" của hàng không giá rẻ châu Á

(Dân trí) - AirAsia hiện là một trong những hãng hàng không thành công nhất châu Á nhưng hãng này cũng từng là một công ty chìm trong nợ nần thuộc sở hữu của chính phủ Malaysia.

AirAsia hiện là một trong những hãng hàng không thành công nhất châu Á.
AirAsia hiện là một trong những hãng hàng không thành công nhất châu Á.

Vào năm 2001, doanh nhân Malaysia Tony Fernandes, từng là nhà sản xuất âm nhạc, đã mua công ty AirAsia với giá tượng trưng chỉ 25 xu.

Giữ nguyên thương hiệu, ông Fernandes đã thành lập hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại châu Á, cạnh tranh với các hãng hàng không như Malaysia Airlines của Malaysia và Qantas của Úc.

Với khẩu hiệu"Giờ đây mọi người đều có thể bay", AirAsia hiện đã phát triển tới gần 100 điểm đến tại hơn 15 quốc gia, mặc dù nhiều chuyến bay của hãng này được thực hiện bởi các liên doanh và các công ty con vốn sử dụng thương hiệu của công ty.

AirAsia Indonesia là một trong những liên doanh này. AirAsia Indonesia là hãng đã thực hiện chuyến bay QZ8501 từ Surabaya đi Singapore khi nó mất liên lạc với cơ quan kiểm soát không lưu vào sáng ngày 28/12.

AirAsia Indonesia sử dụng các máy bay Airbus A320 cho hơn 30 lộ trình, tới các điểm đến tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Úc.

AirAsia chiếm 49% cổ phần của AirAsia Indonesia. Tuy nhiên, AirAsia Indonesia có giám đốc điều hành riêng, ông Sunu Widyatmoko. Cổ phần còn lại do các cổ đông tại Indonesia nắm giữ.

Chính phủ Indonesia cấm các công ty nước ngoài sở hữu đa số cổ phần trong tất cả các công ty hàng không dân sự.

Mô hình kinh doanh của AirAsia giống với các hãng hàng không giá rẻ khác. AirAsia không có ghế hạng nhất hoặc thương gia, và giá vé trung bình khoảng 170 ringgit (48 USD).

Trong 3 tháng tính tới hết tháng 9/2014, AirAsia có lợi nhuận trước thuế là 7,6 triệu USD và vận chuyển gần 5,3 triệu hành khách.

Tuy nhiên, số lượng hành khách do AirAsia AirAsia vận chuyển đã giảm 10% trong cùng kỳ, giảm xuống 1,85 triệu khách sau khi hãng cắt bớt một số lộ trình khai thác.

Vào năm 2013, AirAsia đã chuyên chở gần 8 triệu hành khách.
 
Giám đốc điều hành của AirAsia Tony Fernandes.
Giám đốc điều hành của AirAsia Tony Fernandes.

AirAsia Indonesia dự định được niêm yến trên sàn chứng khoán trong 2 năm qua, nhưng chi phí tăng và sự giảm giá của đồng rupiah tại Indonesia so với đồng USD đã làm trì hoãn động thái này.

Indonesia AirAsia chỉ bay một loại máy bay, dòng máy bay một lối đi Airbus A320. A320 có từ 150-180 ghế và được thiết kế để tiết kiệm nhiên liệu.

Airbus cho biết chiếc A320 được sử dụng cho chuyến bay QZ8501 đã có khoảng 23.000 giờ bay, thực hiện trên 13.600 chuyến bay.

Hình ảnh thương hiệu của AirAsia gắn liền với giám đốc điều hành Tony Fernandes. Thường mặc quần jeans và đội mũ AirAsia mỗi khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Fernandes được xem là phiên bản tại Malaysia của tỷ phú Anh Richard Branson.

Cũng giống như ông Branson đã đưa hãng hàng không British Airways phát triển vào năm 1980, ông Fernandes muốn đưa AirAsia cạnh tranh với các hãng hàng không đường dài trong khu vực như hãng hàng không quốc gia của Malaysia, Malaysian Airlines.

Doanh nhân Fernandes được mệnh danh là một trong những người giàu nhất tại Malaysia. Ông này cũng rất giỏi quảng bá tiếp thị. Trong vụ máy bay QZ8501 của AirAsia Indonesia mất tích, ông Fernandes đã nhanh chóng đăng đàn để gửi đi các thông điệp ủng hộ thân nhân các hành khách và kịp thời có mặt tại Surabaya cùng với các thành viên của AirAsia Indonesia để chia sẻ với họ.

An Bình
Theo BBC