Tai nạn máy bay AirAsia:
Trục vớt hộp đen thứ hai, phát hiện nhiều mảnh vỡ quan trọng
(Dân trí) - Ngày 13/1, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Indonesia đã trục vớt thành công hộp đen thứ hai của máy bay QZ8501. Dự kiến trong vòng một tháng, kết quả phân tích sơ bộ sẽ được công bố. Đồng thời, các thợ lặn hôm nay cũng định vị được vị trí động cơ máy bay dưới biển.
Phát biểu với hãng tin AFP, ông Santoso Sayogo, một điều tra viên của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia xác nhận thiết bị ghi âm buồng lái (CVR) đã được trục vớt khỏi đáy biển.
Hộp đen được trục vớt từ độ sâu 32m, bị một phần cánh máy bay đè lên, và cách không xa vị trí hộp đen đầu tiên được tìm thấy ngày 12/1.
“Thiết bị CVR đã được đưa lên từ dưới biển và đang nằm trên tàu”, ông Sayogo khẳng định, và cho biết thêm trong ngày hôm nay, hộp đen này sẽ được chuyển về Jakarta để các chuyên gia tải dữ liệu và phân tích.
Thời gian để tải dữ liệu sẽ kéo dài một tuần, và sau đó việc phân tích mới có thể thực hiện. Dự kiến khoảng sau một tháng, báo cáo phân tích sơ bộ dữ liệu mới được công bố. Còn báo cáo đầy đủ có thể phải mất tới một năm để hoàn thành. Vẫn theo ông Sayogo, các chuyên gia người Pháp của hãng Airbus đã có mặt tại Jakarta để hỗ trợ công việc này.
Cũng trong sáng 13/1, các thợ lặn đã định vị được vị trí động cơ của chuyến bay QZ8501, dựa trên hình dạng và kích cỡ mảnh vỡ được tìm thấy.
Theo hãng tin CNA, cùng với vị trí của động cơ, đội tìm kiếm cũng đã tìm thấy phần thân chính của máy bay, ở độ sâu khoảng 30m.
Cho đến nay, mới có 48 thi thể trong tổng số 162 người có mặt trên chuyến bay xấu số được tìm thấy. Và cơ quan cứu hộ Indonesia tin rằng, hầu hết các thi thể vẫn còn mắc kẹt trong thân chính máy bay. Chính vì vậy, việc tìm kiếm phần thân máy bay là trọng tâm của chiến dịch tìm kiếm hiện nay
“Chúng tôi phải tiếp cận phần thân máy bay và trục vớt số thi thể nạn nhân còn lại”, ông Supriyadi, quan chức điều phối chiến dịch tìm kiếm khẳng định. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để trục vớt họ và đưa về cho các gia đình thân nhân”.
Trong ngày hôm qua, giới chức Indonesia đã đưa ra một giả thuyết đầy bất ngờ về vụ tai nạn, khi nhận định máy bay đã phát nổ trên không do thay đổi áp suất đột ngột, trước khi rơi xuống biển.
“Máy bay phát nổ do áp suất”, ông Supriyadi nói. “Khoang máy bay được điều áp, và trước khi áp suất có thể được điều chỉnh, máy bay đã phát nổ. Tiếng nổ đó đã được người dân trong khu vực nghe thấy”.
Thanh Tùng
Tổng hợp