1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Máy bay AirAsia mất tích, hàng không Malaysia hứng “tam tai”

(Dân trí) - Một năm tồi tệ tưởng như đã khép lại với hàng không Malaysia sau 2 chuyến bay mất tích, thì vào đúng những ngày cuối năm, lại thêm một chuyến bay của AirAsia mang theo 162 người gặp nạn, đánh dấu tai họa thứ ba trong năm.

Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines đã mất tích hồi tháng 3 năm nay.
Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines đã mất tích hồi tháng 3 năm nay.
 
Trong ngày Chủ nhật, đất nước vốn còn đang vật lộn để điều tra và khắc phục hậu quả sau khi 2 chiếc Boeing 777 mang theo 537 sinh mạng gặp nạn, lại phải hứng chịu cú sốc lớn khi chiếc máy bay thứ ba mất tích. Lần này không phải Malaysia Airlines, không phải một chiếc Boeing mà là một chiếc Airbus A320 của liên doanh hàng không giá rẻ AirAsia Indonesia, với 49% cổ phần của AirAsia Malaysia.

Máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar đài kiểm soát không lưu Jakarta lúc 7 giờ 24 phút giờ địa phương, khi đang trên hành trình từ thành phố Surabaya, Indonesia tới Singapore.

Mặc dù Indonesia Airasia là một đơn vị độc lập khỏi tập đoàn chủ quản của hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á, thương hiệu này từ lâu vẫn gắn liền với Malaysia, quốc gia ít phải đối mặt với các thảm kịch hàng không lớn. Tuy nhiên 2014 lại là một năm hoàn toàn khác.

Ngày 8/3, chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines đang trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh đã biến mất mà không để lại một dấu vết nào. Chiếc Boeing 777-200 khi đó đang mang theo 239 người, hầu hết đến từ Trung Quốc. Đến nay đã gần 10 tháng sau, cơ quan điều tra vẫn chưa đạt được bất kỳ tiến bộ đáng kể nào trong việc định vị nó.

Máy bay được cho là đã rơi xuống vùng biển Ấn Độ Dương ngoài khơi bờ biển phía Tây của Úc. Bất chấp những đợt rà soát kỹ lưỡng, một mảnh vỡ nhỏ nhất cũng không được tìm thấy, khiến những người thân của các hành khách đau đớn không dứt.

Việc MH370 biến mất đã khiến nhiều người bị sốc, và để lại nhiều cáo buộc, nhất là từ phía Trung Quốc, rằng Malaysia che giấu thống tin và xử lý vụ việc không tới nơi tới chốn.

Vào thời điểm đó AirAsia đã buộc phải xin lỗi, sau khi khiến dư luận giận dữ bởi một bài viết trong tạp trí phục vụ trên chuyến bay, xuất hiện chưa đầy một tháng sau khi MH370 biến mất, viết rằng: “Hãy yên tâm rằng cơ trưởng đã sẵn sàng để đảm bảo máy bay của bạn không bao giờ mất tích. Hãy tận hưởng một chuyến bay an toàn”.

Trong khi việc tìm kiếm MH370 tiếp tục khiến nhiều người sốt ruột và giận dữ, ngày 17/7, Malaysia Airlines lại chịu thêm một lần choáng váng, khi một chiếc Boeing 777 nữa gặp nạn, làn này là bị rơi tại không phận Ukraine. Toàn bộ 298 người trên khoang, trong đó có 43 công dân Malaysia tử nạn.

Nga và Ukraine vẫn đang cáo buộc lẫn nhau đã bắn hạ chiếc máy bay, khi nó đang trên đường trở về Kuala Lumpur từ Amsterdam.

Thảm họa kép nổ ra khiến hãng hàng không quốc gia của nước này chịu tổn thất quá lớn, đến mức quỹ đầu tư quốc gia Khazanah đã quyết định hủy niêm yết của Malaysia Airlines trên sàn chứng khoán, sau khi cổ phiếu rớt giá thảm vì con số thua lỗ 1,89 tỷ USD trong 3 năm qua.

Đầu tháng 11 vừa qua, các cổ đông đã nhất trí với kế hoạch tái thiết Malaysia Airlines của quỹ Khazanah, trong đó 30% nhân viên của hãng sẽ bị sa thải.

Trước 2 thảm họa kép này, hàng không Malaysia có thành tích về đảm bảo an toàn tốt. Tai nạn nghiêm trọng gần nhất đã từ tháng 9/1995, khi phi công của một chuyến bay phán đoán sai trong quá trình hạ cánh tại sân bay Tawau, Sabah, khiến 34 trong số 49 người có mặt trên chiếc máy bay Fokker thiệt mạng.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm