GALLERY
15 ảnh
Mứt dừa non được nhiều người yêu thích bởi được làm từ những miếng dừa non thơm mềm, ngọt mát. Mỗi miếng mứt là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị ngọt dịu của đường, sự béo ngậy của cơm dừa.
Ngoài mua sẵn, nhiều bà nội trợ còn tự tay làm mứt dừa từ nhiều ngày trước Tết Nguyên đán. Chị Thơm Bùi, cô giáo dạy nấu ăn ở Hải Phòng chia sẻ, mứt dừa non có độ mềm dẻo, giữ được vị sữa dừa ngọt thơm nhè nhẹ chứ không bị khô, xác như mứt làm bằng dừa già.
Dưới đây là cách làm mứt dừa non theo hướng dẫn của chị Thơm Bùi.
Nguyên liệu:
Dừa non làm sạch: 1kg
Đường cát trắng: 350g - 450g (nếu lần đầu làm nên dùng nhiều đường, sẽ dễ sên hơn)
Muối ăn: 3g
Sữa đặc: 100g
Cách làm mứt dừa non
Bỏ hết phần vỏ lụa nâu còn dính trên cùi, cả những phần bị thâm đen, chỉ để lại phần cùi trắng tinh, mang dừa đi rửa thật sạch, sau đó cắt cùi dừa thành những thanh vừa ăn.
Bí kíp để mứt dừa non có màu trắng tinh, trong trẻo đẹp mắt chính là bước khử dầu dừa. Đầu tiên đổ nước vừa đun sôi vào thau có phần cùi dừa đã sơ chế, đảo sơ để cùi dừa được chần tới sẽ thôi ra dầu dừa. Khi sên mứt, phần cùi dừa không bị úa màu, ngà vàng và đường dễ kết tinh hơn.
Ngâm cùi dừa trong nước nóng 2-3 phút rồi vớt ra mang đi rửa sạch. Rửa nhiều lần tới khi phần nước rửa trong suốt, không còn đục trắng. Làm kỹ bước này sẽ giúp thành phẩm mứt dừa lên màu trắng đẹp, không hôi mùi dầu và bảo quản được lâu.
Cùi dừa rửa sạch, để ráo rồi mang đi ướp với 250-350g đường và muối ăn. Muối sẽ giúp mứt có độ đằm, hương vị được tròn trịa hơn.
Nếu mới làm lần đầu, chị em có thể dùng nhiều đường để dễ sên mứt. Mứt làm xong sẽ không bị ngọt gắt bởi đường khô sẽ thừa ra trong chảo chứ không bám nhiều vào dừa.
Trộn đều dừa với đường và muối rồi bọc lại, ướp trong vòng 5-6 tiếng. Lưu ý không nên ướp quá 12 tiếng, dầu dừa tiết ra sẽ khiến mứt có màu vàng không đẹp mắt và dừa có xu hướng xác hơn.
Sau thời gian ướp, đường tan hết, các sợi dừa ngấu đường chuyển trong là có thể mang dừa đi sên.
Cho dừa ướp đường vào một cái chảo dày và sâu lòng, đun cho đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa, đun thêm 2-3 phút rồi vớt cùi dừa ra, chỉ rim tiếp phần nước đường. Cách này sẽ giúp cho phần cùi dừa giữ được độ dẻo và không bị xác sau quá trình sên.
Phần nước đường còn lại trong chảo tiếp tục đun ở lửa nhỏ cho đến khi hơi sánh lại, nước đường có thể chảy thành dòng thì sẽ cho phần cùi dừa vào sên tiếp.
Ở lần sên thứ nhất sẽ cho luôn phần sữa đặc trong công thức vào để mứt dừa có thêm độ ngậy thơm. Nếu làm mứt có màu thì có thể cho thêm nguyên liệu tạo màu như nước cốt lá nếp, hoa đậu biếc hay cà rốt vào bước này.
Đảo dừa nhanh tay trên lửa nhỏ đến khi trên thành chảo bắt đầu xuất hiện lớp đường trắng mỏng kết tinh lại thì tắt bếp.
Sau khi sên xong lần 1 thì dừa cũng khá là khô ráo. Tuy nhiên, dừa non dễ chảy nước, nên cần để mứt nghỉ từ 1 đến 2 tiếng rồi tiếp tục sên lần 2 cho khô hoàn toàn.
Ở lần sên thứ 2, cho nốt phần đường trong công thức và khoảng 100ml nước lọc vào chảo, hòa tan, đun sôi keo keo lại tương tự như ở lần 1 rồi cho phần mứt dừa đã nghỉ vào đảo tiếp.
Lần sên thứ 2 sẽ giúp mứt dừa được khô hoàn toàn, không lo chảy nước. Nếu cẩn thận hơn, chị em có thể đem mứt đi phơi nắng hoặc sấy thêm trong lò sấy.
Ảnh: Thơm Bùi