Tâm điểm
Hữu Bình

Ý chí Việt Nam tại đấu trường SEA Games

Sáng 7/5, người hâm mộ thể thao Việt Nam được tận hưởng niềm vui khi các cô gái đội bóng rổ 3x3 Việt Nam đánh bại đối thủ sừng sỏ Philippines để lần đầu tiên giành tấm huy chương vàng (HCV) SEA Games. Đến tối cùng ngày, tôi lại được vỡ òa cảm xúc khi các chàng trai của đội bơi tiếp sức 4x200m tự do nam bứt tốc thật thần kỳ để bảo vệ thành công tấm HCV. Đằng sau những chiến công tại đấu trường khu vực là sự nỗ lực vượt khó thật sự phi thường của những "chiến sĩ thể thao" Việt Nam.

Đại hội thể thao Đông Nam Á mới chỉ bước vào những ngày đầu nên thật khó để nói về khả năng cạnh tranh ngôi đầu của đoàn thể thao Việt Nam. Nhưng có một điều chắc chắn, các huấn luyện viên, vận động viên của chúng ta đã, đang và sẽ "chiến đấu" đầy mưu trí, quả cảm để đem về thành tích tốt nhất có thể.

Ý chí Việt Nam tại đấu trường SEA Games - 1

Đội tuyển bóng rổ nữ 3x3 Việt Nam đã có tấm HCV SEA Games lịch sử (Ảnh: Mạnh Quân).

Để làm nên tấm HCV lịch sử ấy ở môn bóng rổ, sự góp sức của cặp chị em sinh đôi Việt kiều Mỹ Trương Twins (Trương Thảo My và Trương Thảo Vy) được coi là yếu tố quyết định. Nhưng khác với những tuyển thủ Việt Nam khác, họ không có cơ hội được thường xuyên tập luyện cùng các đồng đội còn lại (Huỳnh Ngoan và Tiểu Duy) mà chỉ gần sát ngày mới có thể bay từ Mỹ sang nhập cuộc.

Khó khăn, cách trở về địa lý, môi trường đã được khắc phục bằng tinh thần và ý chí thật sự tuyệt vời, để rồi chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, các nữ tuyển thủ của chúng ta đã như thể đọc được ý nghĩ của nhau trên sân thi đấu. Vô địch rồi, ở trong sân, các nữ "chiến binh" ấy cười rạng ngời với đôi mắt nhòe lệ; còn ở ngoài sân, ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam - cũng không kìm được những giọt nước mắt xúc động.

"Chúng tôi luôn tự hào là người Việt Nam nên muốn thi đấu hết mình để đem về tấm HCV cho Việt Nam", hai chị em Trương Thảo My và Trương Thảo Vy chia sẻ. Vâng, khả năng nói tiếng Việt chỉ "bập bẹ" thôi, nhưng tình yêu đất nước và khát khao cống hiến cho thể thao nước nhà trong tim hai cô gái ấy thì thật sự đáng quý biết bao!

Ngay tại SEA Games này, còn có rất nhiều câu chuyện xúc động khác về tinh thần quyết tâm vượt khó của các vận động viên thể thao nước nhà.

Ít người biết rằng có tới 2 người trong "bộ tứ hotboy" bơi giành HCV 4x200m tự do gặp vấn đề sức khỏe trước đợt bơi chung kết tối 7/5. Nguyễn Hữu Kim Sơn - người xuất phát đầu tiên - liên tục đổ máu cam trong 2 ngày liền dẫn tới thể trạng không tốt nhất. Còn Trần Hưng Nguyên - chàng trai 20 tuổi đến từ Quảng Bình đã thực hiện cú bứt tốc phi thường để đem về tấm HCV - cũng bị chấn thương bả vai trước thềm Đại hội.

Kim Sơn xuất phát chỉ hơi chậm một chút, lập tức đội Việt Nam rơi vào vị trí thứ 3-4 trong suốt 200m đầu (so với các đối thủ mạnh từ Singapore, Malaysia và cả Thái Lan). Nhưng lần lượt Nguyễn Huy Hoàng và Hoàng Quý Phước đã mỗi người "gỡ" lại một chút, trước khi Hưng Nguyên thể hiện màn nước rút gây kinh ngạc cho giới chuyên môn: Từ vị trí thứ 3 và kém Singapore 1,2 giây đã vượt lên số 1, nhanh hơn đối thủ tới 3 giây khi chạm đích. Trước đó, Nguyên cũng giành tấm HCV ở nội dung 200m hỗn hợp khi vai vừa mới bình phục.

Ý chí Việt Nam thật sự tuyệt vời, luôn được khẳng định trong những thời khắc khó khăn, thử thách nhất.

Ở môn Vovinam, nữ võ sĩ Lê Thị Hiền bị chấn thương gối, phải cắn răng nén đau để thi đấu trong tình trạng "chấp" đối thủ Lào… 1 chân ở trận chung kết, nhưng với chiến thuật hợp lý vẫn giành tấm HCV hạng 55kg nữ. Trong khi ấy, ở hạng 60kg, võ sĩ Nguyễn Thanh Liêm bước vào trận chung kết trong tình trạng sốt cao tới 39 độ khiến thể lực sút giảm. Nhưng Liêm đã quyết không bỏ cuộc, nỗ lực cao độ để vượt qua đối thủ người Philippines trong trận chung kết.

Ở môn Jujitsu, nữ võ sĩ Đặng Thị Huyền đã gây xúc động cho tất cả những ai chứng kiến khi cô bị chấn thương nặng (giãn dây chằng) ngay từ trận thứ 2, nhưng không bỏ giải mà tiếp tục thi đấu đủ 4 trận và chiến thắng VĐV Singapore để giành HCĐ hạng 52kg.

Với môn "thể thao vua", đội tuyển bóng đá nữ của chúng ta cũng đã phải rất cố gắng để vượt qua "đối thủ thời tiết" khi vừa kết thúc chuyến tập huấn tại Nhật Bản (nơi có nhiệt độ khá mát mẻ) để sang Campuchia dự giải.

Không khó để nhận ra các tuyển thủ của chúng ta đã không thể thi đấu tốt nhất ở trận ra quân (dù thắng Malaysia 3-0). Nhưng với sự nỗ lực cao độ, họ đã sớm thích nghi với nền nhiệt độ cao để thể hiện được những gì tốt nhất có thể trong cuộc đối đầu với Myanmar - đội đã gây bất ngờ lớn khi vượt qua Philippines, đương kim vô địch Đông Nam Á.

Đặc biệt, ở đầu hiệp 2, khi tỷ số đang là 1-1, các nữ cầu thủ Myanmar đã tràn lên tấn công với ý đồ phá sức của tuyển Việt Nam, nhưng các học trò của HLV Mai Đức Chung đã "trong biến mà không loạn", giữ vững kỷ luật đấu pháp, phòng thủ chặt chẽ trước khi tung ra những đòn phản công sắc sảo để bứt lên giành thắng lợi chung cuộc 3-1.

Đội tuyển bóng đá nam của chúng ta vào tối qua 8/5 cũng đã vượt qua Malaysia với tỷ số 2-1 trong trận "thủy chiến" để giành vé vào bán kết. Tiền đạo 21 tuổi Nguyễn Văn Tùng đã vươn lên dẫn đầu cuộc đua vua phá lưới SEA Games 32, cùng có bốn bàn bằng cầu thủ Indonesia Fajar Fathur Rahman.

Còn ở môn điền kinh, dưới cái nắng nóng như thiêu đốt tại Siem Riep, cô gái 18 tuổi Nguyễn Thị Ninh dù bị sốc nhiệt vẫn nỗ lực hết mình hết mình để về đích ở nội dung marathon (trong khi VĐV nhập tịch - ứng cử viên vô địch của chủ nhà Campuchia - đã bỏ cuộc) trước khi ngất đi sau khi hoàn thành phần thi.

Cùng ở nội dung này, cô gái "ốc tiêu" 19 tuổi Lê Thị Tuyết (chỉ cao 1m45 và nặng 37kg), trong lần đầu được góp mặt tại đấu trường lớn đã vượt qua thử thách thời tiết ấy để về đích ở vị trí thứ nhì, chỉ sau nhà vô địch người Indonesia (cũng chính là người đã vô địch marathon tại Việt Nam năm ngoái) với cách biệt không nhiều, giành tấm huy chương bạc (HCB) đầy ấn tượng.

Vâng, chắc chắn sẽ còn thêm nhiều câu chuyện khác về tinh thần, ý chí của các VĐV Việt Nam tại kỳ SEA Games 32 này. Tất cả đều xứng đáng được ghi nhận và ngợi ca như những "chiến sĩ" trên chiến trường để mang vinh quang về cho Tổ quốc!

Tác giả: Nhà báo Doãn Hữu Bình hiện là Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Thể thao (Tổng cục Thể dục Thể thao); Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử Giải trí Việt Nam, Ủy viên BCH Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam; thành viên Ban truyền thông của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).

Ông Bình nguyên là Trưởng Ban phóng viên Báo Thể thao TPHCM, đồng tác giả sách Sơ thảo Lịch sử Bóng đá Việt Nam. Tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam năm 2022, nhà báo Doãn Hữu Bình là Ủy viên Tiểu Ban Truyền thông của Ban Tổ chức, đồng thời là tác giả của khẩu hiệu "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn" (For a stronger Southeast Asia) của SEA Games 31.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!