Tâm điểm
Trần Văn Phúc

Xyanua: Chất độc cực mạnh, đừng để mua cực dễ

Trong gần 2 năm, nghi phạm Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đã dùng xyanua đầu độc 3 người thân, dẫn đến cái chết của chồng và 2 cháu ruột. Công an đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân cái chết của con trai Bích và ông Nguyễn Văn Hải (cha ruột).

Đây là một vụ án kinh hoàng. Bên cạnh các thông tin liên quan đến dã tâm và hành vi của nghi phạm, dư luận còn quan tâm đến việc quản lý, mua bán xyanua.

Xyanua là một chất độc cực mạnh. Trong phim ảnh, văn chương cũng như thực tế đã có nhiều sự việc, vụ án nổi tiếng liên quan đến xyanua.

Xyanua xâm nhập vào cơ thể con người chủ yếu qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, qua da, niêm mạc, qua đường tiêm. Đây là một trong lý do khi xảy ra cháy nổ, cảnh sát phòng cháy chữa cháy bước vào hiện trường đều phải mặc quần áo và mặt nạ phòng độc.

Xyanua: Chất độc cực mạnh, đừng để mua cực dễ - 1

Căn nhà là tiệm cơm tấm, nơi xảy ra vụ đầu độc, ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch (Ảnh: An Huy).

Sau khi xyanua vào cơ thể con người, chúng theo mạch máu lưu thông nhanh chóng xâm nhập vào tất cả các cơ quan, khiến các cơ quan thiếu ATP - nguồn cung cấp năng lượng sinh học chủ yếu cho cơ thể sinh vật, và ngừng trao đổi chất.

Mỗi cơ quan trong cơ thể có khả năng chịu đựng khác nhau, dễ bị tổn thương nhất là hệ thần kinh, đặc biệt là não.

Xyanua luôn để lại dấu vết, tử thi của những người chết vì ngộ độc Xyanua có một số đặc điểm khiến cơ quan điều tra tương đối dễ nhận dạng. Đơn cử, do cơ chế ngộ độc xyanua là thiếu oxy và ngạt thở tế bào, nên máu tĩnh mạch rất giàu oxy, vì thế mà trên bề mặt xác chết vẫn hồng hào, đặc biệt là vành tai và dái tai chủ yếu có màu đỏ anh đào, mặt và môi cũng màu đỏ.

Những đặc điểm nhận dạng như trên là điều mà các cơ sở y tế cũng nên lưu ý khi tiếp nhận bệnh nhân nghi bị ngộ độc, để sớm có phản ứng cần thiết.

Xyanua phân bố rộng rãi trong tự nhiên và trong các ngành công nghiệp. Chúng ta có thể bị ngộ độc xyanua từ thực phẩm. Ví dụ ngộ độc sắn, ngộ độc măng tươi, hay các loại mầm như mầm khoai tây. Nói đến sắn, món mà hầu như ai cũng từng ăn, không ít người bị ngộ độc. Những viên bột thông thường trong trà sữa trân châu đều được làm từ bột sắn. Các chất độc có tên glycoside cyanogen của sắn chủ yếu tập trung ở lớp biểu bì. Quy trình chế biến sắn tiêu chuẩn bao gồm gọt vỏ, đun sôi, lên men, v.v., chủ yếu để loại bỏ glycoside cyanogen.

Nếu được chế biến hoàn toàn, hàm lượng xyanua trong sắn có thể giảm xuống mức rất thấp, bằng không thì hàm lượng cao sẽ dẫn đến ngộ độc, còn gọi là "say sắn".

Câu hỏi là vì sao xyanua nằm trong nhóm chất độc cực mạnh nhưng lại dễ mua như vậy? Một phần lý do nằm ở tính ứng dụng và giá thành khá rẻ của hóa chất này.

Xyanua là một hóa chất phục vụ cho công nghiệp, rất phổ biến trong khai thác mỏ, dùng để tách các kim loại quý như vàng và bạc từ quặng. Ước tính, 13% lượng xyanua sản xuất mỗi năm được sử dụng để khai thác vàng, công nghệ này đã sử dụng hơn một trăm năm nay.

Nó cũng được sử dụng trong công nghiệp hiện đại để điều chế các hợp chất hữu cơ khác nhau. Ví dụ, hydro xyanua được thêm vào butadien để tạo ra ethanedonitril, tiền chất của vật liệu nhựa quen thuộc nylon. Hoặc như xyanua dùng để sản xuất thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, công nghệ sơn điện, hay rất nhiều những ứng dụng khác.

Dù phổ biến trong công nghiệp cũng như các ngành sản xuất, nhưng do độc tính quá mạnh của xyanua, tất cả các quốc gia đã liệt xyanua vào danh sách 125 loại hóa chất được kiểm soát chặt chẽ nhất, để giữ gìn trật tự xã hội và bảo đảm an toàn công cộng.

Trên thế giới, nhìn chung việc mua và sử dụng xyanua đều được giám sát chặt chẽ để ngăn chặn việc sử dụng vào những mục đích bất hợp pháp.

Ngoại trừ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất được cơ quan giám sát an toàn cấp giấy phép theo quy định của pháp luật, các đơn vị tổ chức khác không được phép sản xuất, buôn bán xyanua. Đơn vị vận chuyển xyanua phải được kiểm soát và phải có chứng chỉ vận chuyển hóa chất nguy hiểm.

Các cá nhân không được phép sản xuất, bán, mua hoặc vận chuyển xyanua. Các đơn vị bán hàng phải thực hiện nghiêm chỉnh hệ thống mua xyanua bằng thẻ căn cước. Khi bán hàng, đơn vị bán hàng phải kiểm tra tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của đơn vị mua hóa chất và thẻ căn cước, địa chỉ, thông tin liên lạc của người mua.

Việt Nam không xếp xyanua vào danh mục hóa chất cấm bán. Tuy nhiên, việc kinh doanh xyanua phải tuân theo Luật Hóa chất 2007 và Nghị định 113, nghĩa là để kinh doanh xyanua phải có giấy phép đặc biệt, còn muốn mua phải có giấy giới thiệu, công văn, nói rõ số lượng, mục đích của việc mua bán.

Rõ ràng quy định và chế tài đã có. Nhưng việc quản lý trong thực tế ở nhiều nơi lại rất lỏng lẻo, nó lỏng lẻo đến nỗi xyanua rao bán thoải mái trên các chợ hóa chất online, thùng gói xyanua có thể đóng tới 50kg để bán tự do.

Việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến hậu quả là, nghi phạm Nguyễn Thị Hồng Bích được cho là đã dễ dàng mua xyanua để đầu độc người thân.

Trong khi chưa thể cấm hẳn, giải pháp là siết chặt việc quản lý xyanua và tăng nặng mức phạt với những vi phạm liên quan. Trước mắt các cơ quan chức năng cần rà soát thị trường xyanua để phát hiện những kẽ hở có thể dẫn đến hành vi mua bán trái phép; đưa việc rà soát, xử lý vi phạm này thành hoạt động định kỳ để đảm bảo an toàn xã hội.

Về lâu dài, với sự phát triển của khoa học công nghệ, hy vọng hóa chất xyanua có thể được thay thế và dần bị cấm triệt để cả trong sản xuất và sử dụng.

Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!