1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam
  3. Vụ án đầu độc người thân bằng xyanua
  4. Không để cướp giật lộng hành ở TPHCM

Chuyên gia phân tích tâm lý kẻ hạ độc 4 thân nhân bằng xyanua ở Đồng Nai

An Huy

(Dân trí) - "Khi ra tay với người đầu tiên, tâm lý Nguyễn Thị Hồng Bích có thể rất phức tạp, lo lắng, căng thẳng. Đến vụ thứ 2, mức độ căng thẳng giảm xuống và tự tin gây án", TS Đoàn Văn Báu phân tích.

Đề cập đến vụ Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1985) đầu độc nhiều người thân bằng xyanua tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), chuyên gia tâm lý tội phạm cho rằng, việc gây án đã được nghi phạm lên kế hoạch kỹ lưỡng từ trước.

Bình tĩnh khi nói về hành vi phạm tội

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, cho biết hành vi của Nguyễn Thị Hồng Bích dùng xyanua giết nhiều người mang tính chất đặc biệt nguy hiểm.

Ông Báu nhận định, quá trình đấu tranh động cơ gây án của nữ giới thường diễn ra chậm hơn nam giới, do phụ nữ có xu hướng suy nghĩ rất nhiều trước khi phạm tội. Động cơ gây án ban đầu của Nguyễn Thị Hồng Bích xuất phát từ mâu thuẫn chuyện gia đình, cơ quan chức năng cần điều tra và xác định lại.

Chuyên gia phân tích tâm lý kẻ hạ độc 4 thân nhân bằng xyanua ở Đồng Nai - 1

Chân dung Nguyễn Thị Hồng Bích, kẻ dùng xyanua đầu độc người thân ở Đồng Nai (Ảnh: A.H.).

TS Đoàn Văn Báu cho biết, một số thông tin từ báo chí cho thấy các nạn nhân không tử vong ngay, mà qua quá trình cấp cứu, điều trị, thậm chí điều trị dài ngày. Điều này cho thấy hung thủ đã tính toán rất kỹ liều lượng chất độc được sử dụng, cho xyanua nhiễm độc chậm, ngụy tạo chứng cứ ngoại phạm.

Ông Báu cho rằng, bị can Nguyễn Thị Hồng Bích có thể đã hiểu biết về xyanua hoặc nghiên cứu qua các phương tiện truyền thông. Khi ra tay lần đầu, Bích có thể lo lắng, căng thẳng, nhưng đến lần thứ 2 và các lần sau, mức độ căng thẳng giảm dần, hành vi càng trở nên nguy hiểm hơn do bình tĩnh hơn.

"Do đó, khi bị cơ quan chức năng điều tra và lấy lời khai, trạng thái tâm lý của nghi phạm giết người này rất bình tĩnh như đang nói về việc bình thường, không phải vụ án nghiêm trọng", TS Đoàn Văn Báu nói thêm, và cho hay đây là đặc trưng của những người phụ nữ khi thực hiện xong hành vi phạm tội.

"Phụ nữ thường suy nghĩ kỹ trước khi hành động, quá trình đấu tranh động cơ phạm tội phức tạp hơn, mất nhiều thời gian hơn nam giới. Tuy nhiên, một khi động cơ phạm tội được hình thành, phụ nữ thường "lỳ lợm" hơn nam giới, trạng thái tâm lý căng thẳng, lo lắng sẽ giảm đáng kể cho dù đó là lần đầu phạm tội. Càng về sau, trạng thái tâm lý của họ càng bình tĩnh, thủ đoạn càng kín kẽ hơn", chuyên gia Đoàn Văn Báu phân tích.

Hóa giải mâu thuẫn gia đình

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu cho biết qua vụ án này, cần rút ra những bài học để giải quyết mâu thuẫn từ trong gia đình và ngoài xã hội. Nếu có mâu thuẫn trong gia đình, chúng ta cần phải nhanh chóng giải quyết, đừng để kéo dài âm ỉ tạo thành sự hận thù giữa các thành viên.

Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, người thân trong gia đình chết liên tục, chúng ta phải đặt ra nghi vấn và nhờ người có chuyên môn phân tích để tìm ra nguyên nhân, ngăn chặn hành vi đó.

Chuyên gia phân tích tâm lý kẻ hạ độc 4 thân nhân bằng xyanua ở Đồng Nai - 2

Căn nhà là tiệm cơm tấm, nơi xảy ra vụ đầu độc, ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch (Ảnh: An Huy).

Chuyên gia tâm lý tội phạm mong rằng, với dữ liệu thông tin cá nhân hiện có, Bộ Công an sẽ phát triển phần mềm phát hiện những thông tin bất thường trong một khoảng thời gian.

Ví dụ, nếu có những nạn nhân chết với điểm tương đồng, dữ liệu cá nhân phải cập nhật, cảnh báo để cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xâu chuỗi các tình huống, xác định có hành vi phạm tội hay không. Đây là việc rất quan trọng.

Đồng thời, dữ liệu cá nhân có tác dụng phòng ngừa rất lớn. Chỉ cần đặt ra nghi vấn, thủ phạm có thể bị phát hiện ngay.

Trong bất kỳ trường hợp nào, những người phạm tội hay có ý định phạm tội cần nhớ rằng, mọi hành vi đều để lại dấu vết. Bất kỳ hành vi phạm tội nào sẽ được điều tra làm rõ và xử lý trước pháp luật.

Do đó, mọi người hãy bỏ ngay ý định thực hiện hành vi phạm tội khi còn chưa muộn, hãy giữ lương tâm, đạo đức trong các mối quan hệ để không xảy ra những việc đáng tiếc. Cơ quan chức năng cũng cần quản lý chặt chẽ hơn việc mua bán xyanua và các hóa chất nguy hiểm khác trên thị trường chợ đen và mạng xã hội.

Chuyên gia phân tích tâm lý kẻ hạ độc 4 thân nhân bằng xyanua ở Đồng Nai - 3

Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục làm rõ cái chết bất thường của ông Nguyễn Văn Hải (cha) và con ruột của Bích (Ảnh: A.H.).

Trước đó, ngày 22/6, anh N.H.B.T. (18 tuổi), ngụ xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) trong tình trạng hôn mê, mất tri giác. Các bác sĩ xác định nạn nhân nhiễm độc xyanua bất thường.

Phía gia đình bên ngoại của anh T. nghi vấn người thân bị đầu độc nên đến cơ quan điều tra trình báo.

Vào cuộc điều tra, Công an huyện Nhơn Trạch và Công an tỉnh Đồng Nai xác định Bích là kẻ nghi vấn, đưa về trụ sở lấy lời khai. Tại đây, bà ta thừa nhận hành vi đầu độc T. vì mâu thuẫn với vợ chồng anh trai trong chuyện sửa nhà.

Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục mở rộng vụ án khi trước đó tại gia đình ông Nguyễn Văn Hải (cha Bích) có 5 người chết bất thường trong 8 tháng. Các nạn nhân đều tử vong với triệu chứng ngưng tim, ngạt thở, đau đầu…

Sau nhiều ngày đấu tranh, Bích đã thừa nhận dùng xyanua đầu độc khiến 3 người thân tử vong, gồm: chồng và 2 cháu. Công an tỉnh Đồng Nai đang làm rõ 2 trường hợp tử vong còn lại là cha ruột và con trai Bích.