Việt Nam nên bỏ trường chuyên hay không?
Tốt nghiệp cấp II, tôi chuẩn bị hồ sơ dự thi vào Trường THPT Lê Hồng Phong - một trường chuyên ở TPHCM, theo lời khuyên của ba mẹ. Ba chở tôi đi nộp hồ sơ, nhưng trường không nhận vì hồ sơ không đủ tiêu chuẩn.
Lúc đó tôi còn nhỏ ham chơi, cũng không để ý hồ sơ không đủ tiêu chuẩn chỗ nào. Sau đó tôi về quê ngoại chơi vì đã được tuyển thẳng vào trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai rồi, không phải lo thi cử nữa.
Chơi được tầm 10 ngày thì thấy ba ra nhà ngoại nói, về Sài Gòn với ba chuẩn bị thi vô Lê Hồng Phong. Thế là tôi lại khăn gói về thành phố thi trường chuyên. Tôi thi vào ban A, toán hệ số 3, lý hệ số 2, văn và Anh văn hệ số 1. Tôi còn nhớ toán có 4 câu, mỗi câu 2,5 điểm thì tôi làm được một câu, 3 câu kia không hiểu đề bài hỏi cái gì - có lẽ vì "cái tội" học trường làng mà còn ham chơi, không lo luyện thi; còn các môn kia tôi làm cũng ổn.
Tôi về nhà đinh ninh sẽ vào học ở Nguyễn Thị Minh Khai. Ai ngờ đâu một buổi sáng, cô bạn cấp II đạp xe qua nhà báo, Ngã đậu vào Lê Hồng Phong với Ngọc và Tuấn rồi. Lớp mình có 3 người đậu. Điểm toán của tôi là 2,25. Chắc người chấm thương tình không cho thấp hơn vì 2 điểm là điểm liệt, chỉ cần một môn 2 điểm là rớt. Tôi đậu Lê Hồng Phong là nhờ môn văn điểm cao bất ngờ.
Lúc đó, nhờ một người bạn kể nên tôi mới biết lý do hồ sơ của tôi không đủ tiêu chuẩn của trường Lê Hồng Phong. Chuyện là tôi không chịu đi học thêm môn vật lý lớp 9 nên bị cô giáo bộ môn chấm điểm thấp, không đủ điểm môn vật lý theo quy định để thi vào trường Lê Hồng Phong.
Về sau ba tôi mới cho tôi hay, khi hồ sơ không được tiếp nhận thì ba có đến trường lần nữa, yêu cầu gặp hiệu trưởng và trình bày với thầy trường hợp của tôi. Ba tôi cam đoan, tôi sẽ đậu và sẽ là một học sinh tốt. Không biết thế nào mà thầy hiệu trưởng "xiêu lòng" cho tôi đi thi; cũng may tôi đã chứng minh là ba tôi đúng.
Ba năm học Lê Hồng Phong là một trong những quãng thời gian đẹp nhất của tôi. Tôi không phải đi học thêm, được học với các thầy cô giỏi, và quan trọng hơn là, các bạn bè giỏi giang và dễ thương. Đến bây giờ nhiều khi tôi không nhớ hết thầy cô nào dạy mình, nhưng bạn học cấp III thì vẫn chơi chung. Ba năm học này đã biến tôi từ một học sinh trường làng trở thành sinh viên Bách Khoa, và là bệ phóng cho tôi đi vào con đường mà mình đang đi.
Tôi vẫn biết cuộc đời không có chữ nếu, nhưng nhân đang có cuộc tranh luận về hệ thống trường chuyên, cho phép tôi nói lên suy nghĩ của mình từ trải nghiệm cá nhân.
Nếu vì điểm môn vật lý lớp 9 mà tôi không vào được trường Lê Hồng Phong, con đường tôi đi có lẽ đã khác. Nếu ba tôi không kiên trì thuyết phục hiệu trưởng hay thầy hiệu trưởng không thông cảm, con đường tôi đi có lẽ cũng đã khác.
Sự lựa chọn là quyền của mỗi người, nhưng trước khi bạn viết gì, nói gì, làm gì để cản trở việc vào trường chuyên của một người, bạn có suy nghĩ về cuộc sống sau này của người đó hay không?
Trường chuyên ở Việt Nam hiện nay vẫn là con đường vươn lên của những bạn có gia đình không giàu mà học giỏi (hoặc cố gắng học). Chọn lựa khác là gì? Trường "quốc tế" thì quá đắt đỏ, người không giàu làm gì với tới được?
Vậy cớ gì phải triệt tiêu con đường này?
Học phí trường chuyên là rất thấp so với các trường "quốc tế". Nhưng chất lượng dạy học thì nhìn chung được đánh giá là tốt hơn. Vì thế nhiều gia đình giàu và có thế lực vẫn cho con học trường chuyên thay vì học trường "quốc tế". Nếu vị thế trường chuyên giảm đi, hoặc biến mất, có lẽ các trường "quốc tế" có lợi nhất.
Cái lợi tài chính cũng không bằng cái lợi về vị thế chính trị - xã hội. Khi những học sinh con nhà giàu và có thế lực chuyển từ trường chuyên qua các trường "quốc tế", các trường này trở thành kênh duy nhất đào tạo tầng lớp tinh hoa tương lai của Việt Nam.
Và kênh này (trường "quốc tế") đóng cửa với những gia đình trung lưu và nghèo. Sẽ không còn chuyện con cái nhà nghèo, trung lưu, và giàu có quyền lực học chung và trở thành bạn của nhau nữa.
Vậy Việt Nam có nên bỏ trường chuyên hay không? Trước hết chúng ta phải trả lời các câu hỏi sau: Chúng ta có sẵn sàng cắt bỏ con đường vươn lên của các bạn thuộc gia đình nghèo hoặc trung lưu hay không? Có sẵn sàng tạo thêm rào cản giữa người giàu với người trung lưu và nghèo hay không? Và quan trọng là, có sẵn sàng để cho các trường "quốc tế" trở thành kênh duy nhất đào tạo tầng lớp tinh hoa tương lai hay không?
Tác giả: Tiến sĩ Hồ Đắc Nguyên Ngã hiện là Phó Giáo sư Marketing tại Đại học San Francisco State, Mỹ. Ông lấy bằng Tiến sĩ ngành Marketing tại Đại học Utah, Mỹ, Thạc sĩ ngành Kinh doanh Quốc tế tại Viện Công nghệ Châu Á, Thái Lan, và Kỹ sư ngành Xây dựng tại Đại học Bách Khoa TPHCM.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!