Tâm điểm
Trương Chí Hùng

"Việt Nam không dư thừa nước"

Suốt mấy mươi năm sống ở nhà, tôi chưa bao giờ nghe ba má nhắc tới cụm từ "tiết kiệm nước".

Quê tôi ở miền Tây, vùng đầu nguồn sông Cửu Long. Trước đây mỗi năm, mùa nước nổi kéo dài cỡ bốn tháng, từ tháng bảy đến cuối tháng mười âm lịch. Nước từ thượng nguồn đổ về đục ngầu, tràn qua đê đập, nhấn chìm các cánh đồng vừa thu hoạch xong. Chỉ vài hôm, nước trắng xóa khắp nơi. Cánh đồng lúa trước cửa nhà tôi nước ngập sâu cỡ hai thước.

Đường sá thường cũng ngập hết, nên mùa nước người dân chỉ đi lại bằng xuồng ghe, giăng câu giăng lưới, họp chợ đều lênh đênh trên mặt nước mênh mông. Mùa khô, nhờ hệ thống sông ngòi kinh rạch chằng chịt nên nguồn nước cũng luôn dồi dào. Bà con tha hồ dùng nước sinh hoạt, tưới tiêu. Nói cách khác, trong tâm thức của người quê tôi khi ấy, nước là nguồn tài nguyên bất tận, xài không bao giờ hết.

Việt Nam không dư thừa nước - 1

Một cánh đồng khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tháng 4/2024 (Ảnh: Hữu Khoa)

Nhưng đó là chuyện của trên dưới hai chục năm trở về trước. Còn bây giờ, người miền Tây đã dần nếm trải chuyện khan hiếm nước, nhất là vào mùa khô.

Các đợt hạn mặn hàng năm làm nhiều ha ruộng vườn chết khô. Bà con một số địa phương thuộc tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng thiếu nước sinh hoạt, phải mua với giá đắt hoặc chờ nước ngọt "cứu trợ" của các nhà hảo tâm nơi khác chở về. Câu chuyện nguồn nước được bàn luận ngày càng nhiều hơn. Giải pháp cũng được đưa ra với các mức độ khác nhau, song hiệu quả tác động vào thực tiễn cho đến hiện nay chưa cao. Nói cách khác, vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn… vùng sông nước miền Tây chưa được giải quyết triệt để.

Các chuyên gia đã phân tích nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, trong đó có câu chuyện thời gian qua lượng nước từ thượng nguồn đổ về Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm đi rất nhiều. Các quốc gia ngăn dòng chảy làm thủy điện, hoặc san sẻ nước sông Mekong vào các vùng khô hạn khiến khu vực hạ nguồn thiếu nước. Rồi nguyên nhân của biến đổi khí hậu, của kỷ nguyên khô hạn mang tính chất toàn cầu.

Là một người dân miền Tây, tôi thấy một điều đáng nói là cho dù lượng nước không còn dồi dào như trước, nhưng nhiều bà con vẫn chưa biết cách xài tiết kiệm.

Cụ thể, vào mùa nước nổi, các cánh đồng miền Tây lại bao đê. Nước không thể tràn vào đồng nên trôi hết ra biển, thậm chí còn gây ra hiện tượng triều cường tại một số địa phương. Cũng vì bao đê thâm canh tăng vụ, vào mùa mưa bà con cũng xả nước, bơm nước hết từ các cánh đồng ra sông để chống úng. Điều này khiến nhiều nơi bị thiếu nước trong mùa khô đồng thời hạn mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền.  

Trước đây, đồng ruộng ở miền Tây chỉ làm hai vụ. Thu hoạch xong vụ hè thu là bà con cho đất "nghỉ ngơi", cho nước tràn vào đồng ngập hết mấy tháng. Ngoài việc bồi đắp phù sa, trong mùa nước nổi những cánh đồng có vai trò như các hồ chứa khổng lồ. Tới mùa khô, nước từ các cánh đồng mới rút dần ra, chầm chậm đổ về phía hạ nguồn. Quá trình này diễn ra bền bỉ, giúp sự "cung ứng" nước cho cả vùng đồng bằng được duy trì đầy đủ, cân bằng.

Nếu chúng ta không thay đổi được nhận thức của người dân, không khắc phục tình trạng bao đê ngăn nước trong mùa mưa và mùa nước nổi, thì việc thiếu nước trong mùa khô chắc chắn sẽ còn tái diễn.

Chúng ta cần phải tính tới phương án giữ nước trên các cánh đồng hàng năm để giảm thiểu tác động do thiếu nước. Đó cũng là phương án sản xuất nông nghiệp "thuận thiên" trong điều kiện nguồn nước không còn như trước.  

Hệ lụy từ tâm lý xem nước là tài nguyên bất tận, không thể nào thiếu nên nhiều địa phương ở miền Tây gần đây còn cho san lấp kinh rạch để làm khu dân cư, trong đó có những kinh rạch tự nhiên.

Ai cũng biết, sông ngòi kinh rạch tự nhiên luôn tuân thủ theo quy luật con nước, tồn tại hàng trăm năm qua. Nó có vai trò điều tiết nước từ các con sông lớn vào đồng ruộng, vườn tược và ngược lại. Khi kinh rạch tự nhiên bị san lấp, vai trò trữ nước và điều tiết nước cũng không còn. Nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc lấp kinh mương bừa bãi. Thế mới thấy, đôi khi vì những lợi ích trước mắt cùng với nhận thức chưa đúng về vai trò của nước, chúng ta đã tự đẩy mình vào tình thế khó khăn.

Từ việc giúp người dân hiểu được những thách thức lớn của miền Tây về trữ lượng nước, thiết nghĩ cũng cần nâng cao ý thức bà con trong việc bảo vệ chất lượng nước. Hơn chục năm trước, hầu như nước ở sông rạch đều có thể sử dụng để nấu ăn, giặt giũ, tắm táp thoải mái. Nhưng hiện nay, một số nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bị ô nhiễm nặng. Rác thải, chất thải công nghiệp, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần "giết chết" nhiều dòng sông. Nếu không thay đổi được nhận thức của người dân, nếu cứ tiếp tục làm ô nhiễm nguồn nước như thế thì một lúc nào đó, dù trữ lượng nước có dồi dào chưa chắc ta sử dụng được.

Câu chuyện ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có thể nhìn rộng ra cả nước. Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói: "phải có một tuyên ngôn với bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước rằng chúng ta không phải là quốc gia dư thừa nước". Thiết nghĩ, đây là một tuyên ngôn cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Và tất nhiên, như Bộ trưởng nói là tuyên ngôn phải đi kèm với những hành động theo hướng thay đổi cách tiếp cận với nguồn nước, chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ tưới tràn, tưới xả sang tưới nhỏ giọt…

Đã đến lúc các cấp lãnh đạo và người dân phải tính tới phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sử dụng nước hữu hạn, quan tâm đặc biệt đến trữ lượng nước và chất lượng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Đã đến lúc người dân miền Tây bắt buộc phải làm quen với khái niệm "tiết kiệm nước" và thực hiện đúng tinh thần đó.

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!