Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Trầm cảm vì ít like

Cách đây vài ngày, có hai câu chuyện trên báo chí liên quan tới mạng xã hội khiến tôi chú ý. Một là dòng tiêu đề của nhiều bài báo về vấn đề một bộ phận người trẻ trở nên "trầm cảm" vì đăng ảnh ít người like. Ở đây có thể hiểu chung là tương tác khi giờ đây ngoài tính năng "thích" (like), Facebook đã cho phép người dùng thả nhiều cảm xúc khác nhau trong các bài đăng như "thả tim", "haha", giận dữ…

Hai là câu chuyện nhiều người trẻ đang chạy theo nghề KOL, KOC - cụm từ viết tắt chỉ công việc của những người tạo ảnh hưởng (influencer) trên mạng xã hội. Hiện tượng này diễn ra trên toàn thế giới. Một khảo sát ở Mỹ trong năm 2023 chỉ ra rằng 57% người trẻ gen Z nói rằng họ sẵn sàng trở thành các influencer nếu có cơ hội.

Hai câu chuyện trên có mối liên quan tới nhau. Trong bài viết về nghề KOL, KOC, tác giả đề cập đây không phải là một nghề bền vững với thu nhập thất thường, mức độ cạnh tranh cao. Song, một điểm cần phải nhấn mạnh về mặt trái của nghề KOL, KOC là những tác động lên tâm lý, đặc biệt với các bạn trẻ khi họ mới chỉ nhìn bề nổi hào nhoáng của "việc nhẹ lương cao" khi chỉ cần đăng vài dòng trên mạng xã hội là có vài triệu hay vài chục triệu đồng. 

Trầm cảm vì ít like - 1

Câu chuyện trầm cảm vì ít like khi đăng ảnh trên mạng đang trở thành chủ đề được nhiều người bàn luận (Ảnh minh họa: CV)

Câu chuyện trầm cảm vì ít like khi đăng ảnh trên mạng đang trở thành chủ đề được nhiều người chia sẻ, đa phần với giọng điệu châm biếm, coi đó như một điều hài hước để chế giễu người trẻ. Tuy nhiên, ẩn sau điều tưởng chừng rất trào phúng về giới trẻ đó là ảnh hưởng của mạng xã hội lên người dùng, và cụ thể hơn là cách người dùng Internet nhìn nhận giá trị của bản thân. Thời gian nghiên cứu về mạng xã hội đã mở ra cho tôi những khía cạnh đa chiều hơn của câu chuyện "like" trên Facebook.

Trước khi nút "like" ra đời trên Facebook, đội ngũ phát triển gọi nó là "awesome button" - một nút bấm tuyệt vời. Sự ra đời của nút like "bám rễ" vào một khái niệm mang tên "sociometer" - thước đo xã hội. Khái niệm này được giới thiệu vào năm 1995 bởi nhà tâm lý học Mark Leary và các đồng sự khi họ đặt ra câu hỏi: Sự tự tôn và niềm tin vào bản thân (self-esteem) đến từ đâu?

Về cơ bản, Leary cho rằng sự tự tôn là một thước đo xã hội, đánh giá chất lượng các mối quan hệ của mỗi người và vị thế của họ trong một cộng đồng. Ông cho rằng chúng ta sẽ cảm thấy sự tự tôn của bản thân tăng lên khi chúng ta được đánh giá cao trong các mối quan hệ, được chấp nhận về mặt xã hội bởi người khác. Về cơ bản, nó giống như việc chúng ta được chấp nhận bước vào cộng đồng. 

Tuy nhiên, khi các giao thiệp "xã hội" giờ đây với nhiều người chủ yếu nằm trên mạng xã hội; các bạn trẻ giao tiếp với nhau, trò chuyện trên mạng xã hội còn nhiều hơn bên ngoài, "like" trở thành thước đo - trở thành 'sociometer" để nhiều người cảm thấy mình được chấp nhận bởi xã hội, vốn đã được số hóa bởi các thuật toán. Lòng tự tôn của chúng ta tăng cao khi được chấp nhận bởi cộng đồng xung quanh, thông qua những nút like.

Không chỉ vậy, những nút like củng cố sự hài lòng tức thời (instant gratification) của người dùng - một hiện tượng tâm lý học đang chi phối nhiều thay đổi trong xã hội từ mạng xã hội. Người dùng không phải chờ đợi lâu để được công nhận hay chấp nhận từ một cộng đồng. Một nút like đồng nghĩa với việc bạn được công nhận ngay lập tức.

Ở ngoài đời thật, đã bao lâu rồi bạn không nhận được sự công nhận của người khác: Bao nhiêu lần bố mẹ khen bạn làm tốt? Lần cuối cùng sếp khen bạn hoàn thành công việc xuất sắc? Bao nhiêu lần ai đó nói bạn thực sự đã nỗ lực? Khi không thể tìm sự công nhận cho lòng tự tôn trong cuộc sống thực, người dùng tìm đến những cái like. Trên mạng, "like" trở thành một thói quen, một nghi thức người dùng thực hiện mỗi buổi sáng khi vừa thức dậy, hay mỗi tối trước khi đi ngủ. 

Trên thực tế, các nhà khoa học thần kinh đã quét thử não bộ và nhận thấy, khi chúng ta nhận được like, các hoạt động thần kinh sẽ lóe lên ở khu vực kích thích dopamine - hóc môn "hạnh phúc" cần thiết cho con người.

Với một người gắn số lượng tương tác, lượt like trên mạng xã hội với lòng tự tôn cá nhân, việc họ cảm thấy buồn bã, tức giận, thậm chí là trầm cảm (dù tôi cho rằng "trầm cảm" phải được đánh giá một cách cẩn thận chứ không nên dùng tùy tiện) khi số lượng tương tác giảm không chỉ còn là một câu chuyện mang tính kỹ thuật hay nội dung Facebook. Đó là khi họ sẽ nhen nhóm những suy nghĩ như: Có phải xã hội không còn chấp nhận họ nữa? Mọi người không like vì không còn coi trọng mình nữa? Liệu tôi có đang bị đẩy ra khỏi vòng tròn kết nối bạn bè?

Dần dần, người dùng mắc kẹt trong một thứ gọi là "social validation feedback loop" (Tạm dịch: vòng lặp phản hồi dựa trên sự công nhận của xã hội). Hiểu đơn giản, vòng lặp phản hồi là quá trình mà kết quả của một hệ thống được đưa trở lại làm đầu vào cho một hệ thống mới.

Với mạng xã hội, số lượng like trở thành "kết quả" được đưa trở lại làm đầu vào đánh giá lòng tự tôn của mỗi người dùng, rồi chúng ta lại coi đó là thước đo mới để liên tục cần thêm like và tương tác, như một vòng lặp bất tận.

Kỳ thực, chúng ta không thể dựa vào những thứ không thể kiểm soát được - như sự phân phối nội dung của thuật toán mạng xã hội, để xem bản thân mình có giá trị xã hội hay không. Không có gì là "ảo" trong câu chuyện này cả, trầm cảm cũng vậy.

Đừng chỉ trích người trẻ vì điều này áp dụng với cả người lớn tuổi sử dụng mạng xã hội liên tục. Các bạn trẻ sinh ra trong một thế giới đã bị thống trị bởi mạng xã hội, và để tách bạch mạng xã hội ra khỏi cuộc sống là điều không thể với nhiều người vì ranh giới giữa "ảo" và "thật" đã bị xóa nhòa trong kỷ nguyên số như ngày nay.

Tôi nhớ có lần nói chuyện với học sinh về việc nhiều em muốn theo đuổi con đường làm nhà sáng tạo nội dung, làm Youtuber hay influencer. Tôi coi đó đều là những công việc và ước mơ chính đáng nhưng chấp nhận sống với những công việc đó là chấp nhận gán giá trị của bản thân vào sự đánh giá liên tục của người khác.

Liệu có đáng hay không? 

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!