Tiếp sức đến giảng đường bằng mở rộng hình thức cho vay
Sau 3 năm tạm dừng triển khai tăng học phí đại học, từ năm học 2024 này các trường Đại học công lập trong cả nước đã đồng loạt công bố học phí mới theo Nghị định 97. Cụ thể, trần học phí ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành. Ở các trường đã tự đảm bảo chi thường xuyên (tự chủ), học phí có thể gấp 2,5 lần mức trần. Với chương trình đã được kiểm định, các trường tự xác định học phí.
Học phí Đại học sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đều cho rằng khung và mức thu học phí đại học còn thấp, chưa đủ bù chi phí đào tạo.
Trên đây mới chỉ học phí, quá trình ăn học của một sinh viên còn biết bao khoản chi khác cộng lại là gánh nặng với những gia đình điều kiện kinh tế không dư dả. Những ngày này, vừa lo thi cử xong và khi đang mừng trước việc được xét, tuyển vào trường Đại học, rất nhiều tân sinh viên và các bậc phụ huynh phải đối mặt với gánh nặng này.
Cần thấy rằng việc cho phép các trường Đại học công lập, nhất là các trường tự chủ về tài chính, được tăng học phí là rất khó trì hoãn thêm, vì đây là nguồn thu chính của trường vốn đang quá eo hẹp. Chính phủ cũng hết sức khuyến khích các trường Đại học cùng toàn xã hội nỗ lực tìm cách hỗ trợ sinh viên, trước hết là số các em có thành tích/năng lực học tập tốt nhưng hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, có thể tiếp tục thực hiện được giấc mơ Đại học của mình.
Nhiều năm qua, Chính phủ cũng đã có những chủ trương, chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng hoặc cho vay các đối tượng thuộc diện gia đình chính sách và những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, trong thực tế nhu cầu hỗ trợ tài chính, tiếp sức đến trường với các bạn sinh viên là rất lớn, nhất là trong tình hình học phí đồng loạt điều chỉnh và sẽ tiếp tục tăng.
Sẽ có rất nhiều gợi ý, biện pháp có thể được đưa bàn để giúp sinh viên (và sau đó là gia đình họ), liên quan đến việc này, tôi chỉ xin phép nêu một vấn đề, đó là phát triển rộng rãi các hình thức cho sinh viên vay tiền để giúp các bạn trẻ có đủ tài chính đóng học phí và thậm chí cả để đảm bảo cuộc sống ổn định trong suốt cả khóa học.
Ở đây tôi xin không bàn đến các khoản vay ngân hàng dành cho sinh viên như vẫn có lâu nay. Việc này tuy rất tốt nhưng chắc chắn là mới chỉ đáp ứng được một tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu thực tế; hơn nữa vẫn còn những bất cập về điều kiện cho vay, mức tối đa được vay, lãi suất và thời hạn phải trả… Điều đó đã khiến những khoản cho vay này trên thực tế chưa phát huy nhiều tác dụng.
Việc cho sinh viên vay tiền tôi muốn đề cập ở đây là những khoản vay theo thỏa thuận cụ thể giữa hai bên, thực ra không mới trên thế giới, trong đó có cả nước Đông Âu nơi tôi đã học và tốt nghiệp Đại học ở đó gần 50 năm trước. Theo quan sát và hiểu biết của cá nhân tôi, những khoản cho vay tài chính này có những đặc điểm cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ thể bên cho vay rất phong phú, bao gồm từ chủ thể chính phủ và phi chính phủ, các công ty, tập đoàn… Với thành phần chủ thể cho vay rộng rãi, đa dạng như thế, tổng số tiền tiềm năng có thể cho sinh viên vay là vô cùng lớn.
Thứ hai, khi quyết định cho vay, bên cho vay có những quy định rất cụ thể về điều kiện, mức độ tiền được vay và hình thức trả số tiền đã vay đó; khác nhau tùy đối tượng sinh viên vay cụ thể tiềm năng như thế nào, nhưng có điểm chung là thời hạn trả nợ đều khá dài và chỉ bắt đầu sau khi sinh viên tốt nghiệp, ra trường và đi làm.
Điều kiện và mức độ tiền được vay phụ thuộc tỷ lệ thuận với năng lực và kết quả học tập của sinh viên qua từng học kỳ, năm học và cả khóa học. Như thế, khả năng sinh viên được vay hoặc vay được nhiều sẽ phụ thuộc vào năng lực và nỗ lực của các bạn. Để tránh tình huống khi đến hạn trả nợ, sinh viên lại trốn tránh trả, hợp đồng cho vay luôn có những điều khoản chặt chẽ được luật pháp bảo trợ.
Thứ ba, trong hoàn cảnh phải đi vay như vậy và để thực hiện được hoài bão của mình (và cả gia đình), nhìn chung mỗi sinh viên đều ý thức được trách nhiệm và quyết tâm, nỗ lực hơn trong học tập. Mặt khác, để thuận lợi trong việc trả nợ sau này, bản thân sinh viên cũng phải thực tế trong việc chọn trường/môn học. Bởi nếu chọn không phù hợp, duy ý chí…, họ có thể hoặc là không có thành tích tốt trong học tập như hợp đồng vay tiền đòi hỏi, hoặc là ra trường nhưng không kiếm được việc làm phù hợp để trước mắt là trả nợ thành công.
Thứ tư và là cuối cùng, hình thức trả nợ cũng phong phú, có thể theo thỏa thuận và không nhất thiết phải bằng tiền như đã vay. Đặc biệt, với nhiều chủ thể cho vay, họ thiên về hình thức thu nợ bằng cách sinh viên khi đi vay phải cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ đến làm việc cho họ trong một khoảng thời gian/số năm tháng nhất định theo thỏa thuận.
Với cách cho sinh viên vay tiền cho cả khóa học Đại học như trên, trong chế độ giáo dục đào tạo không hoàn toàn bao cấp ở đó, rất nhiều các thế hệ sinh viên có năng lực học tập, nghiên cứu đã có cơ hội vượt qua hoàn cảnh tài chính khó khăn của gia đình, mà không phải từ bỏ giấc mơ vào đời qua con đường học tập Đại học ở đất nước của mình.
Chính vì vậy, tôi cũng rất tin ở ta, cùng với quá trình xã hội hóa mạnh mẽ lĩnh vực giáo dục đào tạo, mô hình cho sinh viên vay tiền như trên cũng sẽ thành công và là một giải pháp bổ sung rất cần thiết trong hoàn cảnh cụ thể ở nước ta khi (không chỉ) học phí buộc phải tăng cao như hiện nay.
Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!