Điểm chuẩn kỷ lục vào ngành Sư phạm: Mừng và lo
Mấy ngày nay, các trường đại học đồng loạt công bố điểm chuẩn tuyển sinh năm 2024. Nhiều người chia sẻ bất ngờ khi Đại học Sư phạm Hà Nội công khai bảng điểm với điểm đầu vào hầu hết các ngành đều tăng, đặc biệt bộ ba Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý thuộc tổ hợp C (quen gọi là ban C) có điểm rất cao: Ngữ văn 29,3; Lịch sử 29,3; Địa lý 29,05 (thang điểm tối đa là 30).
Như vậy là điểm thi mỗi môn trung bình phải đạt 9,76 (gần điểm tuyệt đối). Đây là điểm chuẩn ban C cao nhất của Đại học Sư phạm Hà Nội từ khi thành lập năm 1951 đến nay (73 năm), cũng là điểm cao nhất toàn ngành Sư phạm cả nước, và cũng là điểm chuẩn nằm trong nhóm cao nhất tất cả các ngành.
Năm nay điểm chuẩn ngành Sư phạm nói chung và Đại học Sư phạm Hà Nội cao như vậy, theo tôi, có thể do một số nguyên nhân sau.
Đây là năm cuối học sinh (HS) học và thi theo chương trình sách giáo khoa cũ, HS và giáo viên (GV) đều đã quá quen với cách ra đề; không loại trừ nhiều GV ôn thi kỳ cựu có thể "khoanh vùng" mang tính dự đoán các nội dung được đưa vào đề thi.
Điểm thi cao trong khi nhiều trường sư phạm giảm chỉ tiêu tuyển sinh để phù hợp với nhu cầu thực tế các địa phương. Hơn nữa, các trường Sư phạm năm nay có nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp giảm mạnh so với năm ngoái. Đại học Sư phạm Hà Nội: chỉ tiêu của ngành Sư phạm Ngữ văn năm nay là 80 (giảm 50 so với năm ngoái). Tương tự, ngành Sư phạm Lịch sử năm nay 12 (giảm 13 so với năm ngoái); Sư phạm Địa lý năm nay 42 (giảm 32 chỉ tiêu so với năm ngoái).
Cũng không thể phủ nhận, tác động của yếu tố chính sách miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm (theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP), và tiền lương cho giáo viên đang được quan tâm điều chỉnh. Gần đây, thu nhập của GV đã được cải thiện, một số địa phương đã dành một phần ngân sách địa phương trả thêm cho GV.
Kể từ 1/7/2024, lương GV được xếp ở bậc cao hơn các ngành nghề khác cùng khu vực, lại thêm phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi, cùng các loại tiền thưởng khác.
Theo tôi, những cơ sở thực tế đó đã khiến nghề giáo trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Đáng mừng
Trên đây là tín hiệu mừng. Nếu chúng ta nhớ lại chừng 10 năm về trước, một số trường sư phạm phải "vét" thí sinh điểm sàn cho đủ chỉ tiêu.
Việc điểm chuẩn vào Sư phạm cao hơn hẳn hầu hết ngành khác như năm nay, mở ra hy vọng trường Sư phạm sẽ có được những sinh viên tốt nhất, tạo tiền đề cho việc đào tạo những giáo viên tương lai có trình độ cao, ngành sư phạm sẽ nâng cao được chất lượng đội ngũ, đáp ứng được nhiệm vụ, yêu cầu và mục tiêumà Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra.
Chúng ta đều biết, chất lượng người thầy (trình độ và phẩm chất) là yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục. Chính sách về tiền lương cho GV thay đổi, thu nhập của GV cao hơn, hy vọng các thầy cô toàn tâm toàn ý cho việc dạy học; hạn chế được những tiêu cực mà HS, phụ huynh, xã hội bức xúc nhiều năm qua.
Vì vậy, từ việc tuyển sinh này, chúng ta có thể thêm hy vọng về giáo dục nước nhà, hy vọng 5, 10, 15 năm sau, nguồn nhân lực của Việt Nam ta có chất lượng cao hơn, đủ khả năng cạnh tranh trong "thế giới phẳng".
Gần đây, sự phát triển vượt bậc của công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI) là thách thức không nhỏ đối với tất cả các ngành nghề, đặc biệt với giáo dục. Đội ngũ GV và lãnh đạo ngành Giáo dục rất cần những người giỏi để học tập, tiếp thu, khai thác các tri thức cần thiết trong đó có AI vào lĩnh vực giáo dục.
Nỗi lo còn đó
Điểm chuẩn vào Sư phạm cao chót vót, đáng mừng, song nỗi lo vẫn còn đó.
Trở lại với điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay. Môn Ngữ văn có điểm trung bình là 7,23 (cao hơn so với năm 2023 là 6,86) mà phổ biến nhất là 8,0 (so với 7,0 của năm 2023); môn Lịch sử ghi nhận số lượng bài thi điểm 10 tăng cao với 2.108 bài (tăng gấp 2,7 lần số bài thi đạt điểm 10 của năm 2023); số lượng bài thi đạt điểm 10 môn Địa lý năm nay là 3.175 bài thi (năm 2023 là 35 bài).
Từ kết quả trên, chúng ta tự hỏi có phải học sinh những năm gần đây, đặc biệt các cháu tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay giỏi hơn những năm trước kia? Có phải nhiều HS đã yêu thích hơn các môn Văn, Sử, Địa?
Chúng ta mừng vì những "cơn mưa" điểm 9, điểm 10, nhưng cũng cần nhìn nhận khách quan, nếu biết rằng trước đây để đạt được một bài thi môn văn điểm 8 là rất khó; cả hội đồng thi hàng mấy nghìn bài có khi không có bài nào đạt 9 điểm.
Đành rằng, đề thi nay có khác, nhưng bài viết về văn chương thời nào cũng vậy, cả nội dung cảm thụ và kỹ năng diễn đạt không dễ gì đạt được sự hoàn hảo. Là một giáo viên Ngữ văn lâu năm, dù không khẳng định nhưng tôi nghĩ việc chấm thi "rộng tay" hơn cũng là yếu tố khiến cho phổ điểm "đẹp" hơn. Nếu như các môn thi trắc nghiệm, máy quét ra điểm chính xác, thì môn thi tự luận Ngữ văn phần nào việc chấm điểm phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của giám khảo.
Trong số những bài đạt điểm 9, 10, bài nào thể hiện đúng năng lực thực sự của HS, bài nào là nhờ "lò luyện" trúng đề, thậm chí học thuộc nguyên bài văn mẫu, vào phòng thi chỉ cần chép lại như một cái máy?
Từ kết quả thi tốt nghiệp PTTH các môn Văn, Sử, Địa năm nay, nhìn ở góc độ khoa học giáo dục thì điểm 9, 10 tràn lan gây nên tình trạng loạn chuẩn, "loạn" HS giỏi, HS xuất sắc. Nếu những năm vừa qua, chúng ta đã nghe chuyện các lớp, các trường tiểu học 100% HS khá giỏi; vài năm nay, có chuyện một số trường đại học, sinh viên tốt nghiệp 100% loại khá, giỏi, có trường loại xuất sắc chiếm đến 30%, 40%, trong khi hệ thống đại học của Việt Nam ta (năm 2024) mới chỉ 5 trường được xếp vào top 1.400 của thế giới (trường tốt nhất hạng 514).
Kết quả bài thi phản ánh đúng năng lực thực sự của người học, của hoạt động dạy và học, thì mới loại trừ được yếu tố "ảo", mới giúp ngành giáo dục và phụ huynh, HS đánh giá đúng về học trò mình, con em mình.
Vừa qua tôi thấy một số GV khoe trên mạng xã hội điểm thi văn của học trò lớp mình dạy toàn 9 đến 9,5. Tôi cho đây là một biểu hiện của "bệnh thành tích".
Từ điểm chuẩn vào sư phạm đạt kỷ lục năm nay, chúng ta kỳ vọng rằng điểm thi vào hai ngành Sư phạm và Y khoa sẽ luôn thuộc top đầu, và hai ông thầy trong xã hội là thầy thuốc và thầy giáo được trọng thị thực sự, họ được hành nghề theo đúng lương tâm và trách nhiệm. Chúng ta với tư cách là những người thụ hưởng kết quả đào tạo của của hai ngành Sư phạm và Y khoa sẽ "quẳng nỗi lo đi mà sống".
Tác giả: Bà Trần Thị Bích Hà tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, là thạc sĩ, giáo viên môn ngữ văn, làm việc tại Đại học Luật TPHCM.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!