"Thích nhảy việc": Một hiểu nhầm về gen Z
Truyền thông gần đây có nhiều phóng sự kể câu chuyện các bạn trẻ - cụ thể là gen Z (những người sinh trong khoảng từ năm 1996 đến 2012), nhảy việc liên tục.
Trên mạng xã hội chuyên về tìm việc và tuyển dụng LinkedIn, một vài cán bộ phụ trách nhân sự và quản lý các công ty cũng than thở rằng nhân viên trẻ nhảy việc nhiều quá.
Liệu điều đó có phải sự thật không? Trong trường hợp điều này là sự thật thì nguyên nhân có phải chỉ do gen Z? Tôi băn khoăn tự hỏi.
Trong những dẫn chứng được đưa ra về việc gen Z thích nghỉ việc, một báo cáo của Anphabe thường được trích dẫn. Theo đó, trung bình thời gian gắn bó với công ty của gen Z chỉ là 2,2 năm, của gen Y là 3,2 năm trong khi gen X là 4,3 năm. Số liệu này không rõ cách tính "thời gian gắn bó" ở thời điểm nào. Nếu như tính ở thời điểm hiện tại, rõ ràng số năm đi làm của gen Z còn rất ít so với gen Y và gen X. Càng ở những độ tuổi cao, người lao động càng ngại nhảy việc với nỗi lo tuổi tác, dĩ nhiên thời gian gắn bó của họ với công ty sẽ cao hơn. Vậy nên so sánh như trên hoàn toàn khập khiễng.
Khi nói về câu chuyện nhảy việc của gen Z, nhiều người thường lý giải bằng những cụm từ như "chịu áp lực kém", "mong muốn việc nhẹ lương cao"..., khái quát hóa thành một trào lưu mang hàm ý tiêu cực.
Theo tôi, những nhận định trên không chính xác ở nhiều phương diện. Thứ nhất, không thể chỉ dựa vào vài hiện tượng hay những nghiên cứu hời hợt để khái quát hóa đặc điểm của một thế hệ lên tới hàng triệu người. Về quy luật thì bất cứ thế hệ nào (dù là gen Z hay X hay Y) lúc mới đi làm thường phải trải qua giai đoạn chưa ổn định ban đầu, và khi bạn trẻ thì kinh nghiệm và khả năng chịu áp lực của bạn sẽ kém hơn những người đi trước.
Thứ hai, nhận định gen Z nghỉ việc như một trào lưu đã giản lược tính phức tạp của vấn đề, khi không đề cập tới bối cảnh cụ thể và những thay đổi trong xã hội theo thời gian.
Ví dụ, trong đối sánh với gen X và gen Y, việc gen Z nhảy việc có nguyên nhân tới từ những biến động của thị trường lao động. Đầu những năm 2000, thời điểm gen Y bắt đầu đi làm và gen X đang là nhóm lao động chủ lực, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam ít hơn bây giờ rất nhiều và rõ ràng là cơ hội việc làm trên thị trường lao động cũng ít hơn.
Cụ thể, vào năm 2000, năm đầu tiên Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam chưa đến 50.000, trong khi số doanh nghiệp trên toàn quốc hiện nay (2024) khoảng 900.000. Nền kinh tế phát triển, thị trường lao động phát triển và linh hoạt hơn là cơ sở để người lao động chọn lựa chỗ làm tốt nhất, phù hợp nhất theo năng lực và điều kiện của bản thân.
Cách đây 20 năm, tôi có những người anh chị họ nỗ lực để vào môi trường nhà nước vì "làm nhà nước" dường như là lựa chọn lý tưởng nhất trong thời điểm bấy giờ. Trong một giai đoạn với không nhiều lựa chọn nghề nghiệp, rõ ràng người lao động sẽ chấp nhận ở lâu trong một vị trí để đảm bảo sự an toàn nghề nghiệp. Điều này đã khác so với hiện tại khi khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng nhiều, các công ty khởi nghiệp ngày càng nhiều, và giới trẻ cũng có thêm nhiều hình thức kiếm tiền bằng công việc tự do (freelance) hơn là gắn bó với một doanh nghiệp cụ thể.
Khi bối cảnh xã hội thay đổi, gen Z nhảy việc nhiều hơn là điều bình thường vì xu thế này phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không thể nào nhìn nhận đây như một trào lưu tiêu cực.
Hơn nữa, nếu tính Gen Z là thế hệ sinh ra từ năm 1996 đến năm 2012, các bạn mới bắt nhịp vào thị trường lao động từ khoảng những năm 2019, 2020. Đây là những năm với nhiều biến động trong thị trường lao động và toàn xã hội vì đại dịch Covid. Bước qua thời điểm trên, nhiều người quan tâm hơn tới sức khỏe, cân bằng cuộc sống. Khi cả thế giới coi trọng sức khỏe cả thể chất và tinh thần hơn, gen Z cũng không phải ngoại lệ.
Tất nhiên, khi đi tìm nguyên nhân thay đổi công việc của một người hay rộng hơn là một thế hệ, chúng ta không chỉ căn cứ vào các yếu tố nêu trên, mà còn phải nhìn vào mức lương, thu nhập, chi phí sinh hoạt, môi trường làm việc… Nhìn ở góc độ này, chúng ta sẽ thấy rằng hiện tượng nhảy việc của thế hệ trẻ, cho thấy những vấn đề cần cải thiện từ phía đơn vị tuyển dụng, doanh nghiệp…, chứ không chỉ là vấn đề của các bạn trẻ.
Là một người trẻ, tôi nghĩ rằng gen Z không sinh ra đã muốn nhảy việc; sẽ chẳng có gì gọi là "gen nhảy việc" hay "tính cách nhảy việc" đặc trưng của gen Z. Cần nhìn họ trong bối cảnh cụ thể với nhiều thay đổi của thị trường và xã hội. Những điều được cho là "đặc tính" của gen Z (như câu chuyện trào lưu nhảy việc) nhiều khi chỉ là nhận xét cảm tính của các thế hệ trước. Nếu chúng ta không nhìn sâu hơn vào vấn đề thì rất có thể theo thời gian những nhận xét cảm tính này bị coi là… đương nhiên đúng.
Điều đúng đắn ở đây là gen Z đang và sẽ là lực lượng lao động chính của đất nước. Thay vì định kiến, hãy lắng nghe các bạn trẻ và nhìn vào thế mạnh của họ trên thị trường lao động hiện nay.
Thứ nhất, gen Z đã trưởng thành trong một thế giới số hóa, nên họ có kỹ năng cao về công nghệ và mong muốn làm việc trong các môi trường có sử dụng công nghệ tiên tiến. Thị trường lao động cần mở rộng các cơ hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông số, và các ngành nghề liên quan đến bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (Big Data), và an ninh mạng. Ngoài ra, các công ty cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ để tạo điều kiện cho công việc từ xa, làm việc linh hoạt, trực tuyến.
Thứ hai, như đã nêu trên, sau đại dịch, người lao động nói chung trong đó có gen Z đánh giá cao sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Các chính sách phúc lợi cần được chú trọng đúng mức.
Cùng với xu hướng chuyển đổi xanh, gen Z là thế hệ quan tâm đến các vấn đề về môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Do đó, các công ty cần minh bạch trong hoạt động, cam kết với các mục tiêu phát triển bền vững và thể hiện trách nhiệm xã hội để thu hút và giữ chân nhân tài từ thế hệ này.
Thứ ba, với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, học tập suốt đời là điều cần thiết. Các chương trình đào tạo liên tục, cơ hội nâng cao kỹ năng và phát triển nghề nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng để duy trì sự hấp dẫn đối với lực lượng lao động trẻ.
Bằng cách tạo ra môi trường làm việc thân thiện, linh hoạt, chú trọng đến công nghệ và đào tạo, thể hiện trách nhiệm xã hội, các công ty chắc chắn sẽ giữ chân được thế hệ lao động trẻ đầy tiềm năng.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!