Thấy gì từ thứ hạng "gây sốc" của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh?
Sau khi Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) diễn ra hôm 11/4, các phóng viên cũng như một số lãnh đạo tỉnh, thành bày tỏ băn khoăn với tôi về vị thứ trên bảng xếp hạng năm nay có một vài điểm "gây sốc".
Nhiều năm gắn bó với công việc này, tôi không lạ về điều đó. Những địa phương có thứ hạng đứng đầu thì thường cho rằng đó là điều đương nhiên, nhưng những địa phương ở nhóm cuối thì lại cho rằng thứ hạng của họ là chưa đúng, là "bất công". Điều kém may mắn của bất cứ bảng xếp hạng nào là đều có vị thứ thấp, đều có nhóm dưới. Không ai vui về điều này! Chính vì lẽ đó mà trong báo cáo PCI 2022 vừa qua chỉ công bố top 30 tỉnh, thành phố phía trên bảng xếp hạng, để tránh những hiệu ứng quá tiêu cực với các địa phương nhóm dưới. Thế nhưng vẫn có những nơi, những trang tin cố gắng tổng hợp đầy đủ thứ hạng.
Thứ hạng PCI được hình thành từ hệ thống 10 chỉ số thành phần với hơn 140 chỉ tiêu cụ thể mà phần lớn lấy từ kết quả điều tra doanh nghiệp. Điều tra PCI hiện là điều tra doanh nghiệp chọn mẫu thường niên lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, với khoảng 12.000 doanh nghiệp. Được tiến hành một cách công khai, khoa học, nên tỉnh xếp hạng cao hay thấp, tăng hay giảm phụ thuộc vào trải nghiệm và đánh giá của chính các doanh nghiệp của địa phương khi trả lời điều tra hàng năm.
Thực ra đây là cách thức để định lượng, đo đếm một vấn đề quan trọng, đó là chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền các cấp. Việc lượng hóa những điều này hết sức quan trọng, thường những cái gì không đo lường được thì không cải cách, không thay đổi được.
Rất nhiều năm, nhóm nghiên cứu PCI luôn khuyến nghị người đọc là khi tiếp cận bản báo cáo PCI không nên chỉ tập trung vào con số xếp hạng của mỗi tỉnh. Cần nhìn sâu hơn vào điểm số của địa phương, vào từng lĩnh vực cụ thể thể hiện qua các chỉ số thành phần. Điểm mạnh của một điều tra như PCI là có thể giúp nhìn thấy được các vấn đề đang xảy ra trong môi trường kinh doanh cấp địa phương, so sánh sự thay đổi theo thời gian, so sánh với các địa phương khác. PCI là công cụ chính sách, chúng ta có thể sử dụng nó để thay đổi, để thúc đẩy chuyển động của bộ máy.
Nhiều năm qua, chúng tôi vẫn luôn lưu ý rằng, thứ hạng PCI không nên là mục tiêu hướng tới, các tỉnh cần xem PCI như một công cụ để cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thấy được những điểm mạnh, điểm yếu, những yếu tố cần phát huy hay cần hạn chế nhằm tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân mới là mục tiêu trong hoạt động của bộ máy chính quyền.
Tại bảng xếp hạng năm nay, Quảng Ninh là một hiện tượng rất đáng chú ý khi năm thứ 6 đứng đầu cả nước. Phải nói rằng Quảng Ninh đã dần tạo được thương hiệu về một chính quyền thân thiện với các nhà đầu tư và doanh nghiệp, từ những nhà đầu tư lớn cho đến các doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng là một địa phương gây ấn tượng khi lần đầu tiên là Á quân PCI.
Nhìn từ Quảng Ninh, tôi quan sát thấy trọng tâm của chính quyền địa phương này là thúc đẩy chất lượng thực thi của bộ máy các cấp. Trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, Quảng Ninh đã thành lập một Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư - chỉ thông qua tên gọi cũng thấy được quan điểm của lãnh đạo tỉnh, trọng tâm của việc xúc tiến đầu tư là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện dự án, khi hoạt động.
Với phương châm này, Quảng Ninh cách đây mấy năm đã thành lập riêng một mô hình tổ công tác để hỗ trợ dự án đầu tư tỉnh (Investors Care) với nhiệm vụ chủ động nắm bắt thông tin, tổng hợp tình hình triển khai các dự án ngoài ngân sách, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án; kịp thời chỉ đạo đơn vị trực thuộc hỗ trợ, giải quyết những kiến nghị, khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư, hoặc đề xuất kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết đảm bảo tiến độ, hiệu quả và giảm thiểu các thủ tục hành chính.
Quảng Ninh còn là cái nôi của mô hình Trung tâm hành chính tập trung hiện hoạt động rất hiệu quả với tinh thần một cửa triệt để, hiện đang tiến tới một cửa điện tử, đây cũng là hình thức tổ chức hoạt động hướng tới sự thuận tiện của nhà đầu tư.
Quảng Ninh cũng là địa phương nhiều năm tổ chức thực hiện chỉ số đánh giá cấp sở, ngành quận huyện (DDCI), tạo sức ép rất lớn cho bộ máy chính quyền các cấp để hướng tới xây dựng niềm tin của doanh nghiệp. Chính vì tạo được niềm tin rất lớn với nhà đầu tư mà Quảng Ninh có lẽ là địa phương đứng đầu cả nước trong huy động vốn đầu tư tư nhân vào đường cao tốc, sân bay, cảng biển, tòa nhà làm việc của chính quyền…
Những kết quả của Quảng Ninh không phải là có được ngay, theo quan sát của tôi, đã được bồi đắp khá lâu từ tư duy trọng doanh nghiệp, chăm sóc doanh nghiệp tiến tới hình thành văn hóa hỗ trợ doanh nghiệp của cả bộ máy chính quyền. Chính điều này đã bù đắp rất nhiều điểm chưa thuận lợi của Quảng Ninh so với nhiều trung tâm kinh tế lớn khác của cả nước.
Năm vừa qua, vị thứ của các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng có xu hướng giảm. Một mặt điều này phản ánh tình hình kinh tế khó khăn và không khí kinh doanh ở các trung tâm kinh tế năm vừa rồi đi xuống. Doanh nghiệp tại các trung tâm kinh tế này hướng nhiều hơn về xuất khẩu, vào du lịch, họ bị tác động trực diện từ các khó khăn của kinh tế thế giới. Khi khó khăn, đương nhiên là kỳ vọng của doanh nghiệp với sự hỗ trợ từ bộ máy chính quyền sẽ nhiều hơn so với ở điều kiện bình thường, thuận lợi.
Không chỉ các thành phố lớn, từ cuối năm 2022 cho đến nay là thời gian rất khó khăn của hầu hết ngành nghề kinh tế. Tỷ lệ doanh nghiệp kém lạc quan duy trì ở mức cao. Quy mô các doanh nghiệp trở nên nhỏ hơn kể cả về số lượng lao động lẫn vốn. Doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh, triển vọng cũng không tích cực. Việc vay vốn trở nên chật vật. Trong năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay thấp nhất trong nhiều năm.
Có một số xu hướng tương đối tích cực ở môi trường kinh doanh cấp tỉnh đã được doanh nghiệp ghi nhận như cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến tốt, tỉ lệ doanh nghiệp hài lòng với thủ tục hành chính nhìn chung có chiều hướng cải thiện hơn theo thời gian.
Chỉ số PCI trung vị (bình quân) của các tỉnh trong 2 năm vừa rồi mặc dù có chững lại nhưng vẫn chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Chi phí không chính thức - nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp - cũng đã cải thiện liên tục kể từ năm 2016 đến nay, tỉ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức và tỉ lệ doanh nghiệp phản ánh nhũng nhiễu đều có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, qua điều tra PCI cũng cho thấy không gian cải cách của các tỉnh hiện nay còn rất lớn. Một số thủ tục hành chính (TTHC) còn nhiều phiền hà như thuế, phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy… Đây là những nhóm thủ tục mà cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều kêu ca.
Một vấn đề lớn mà chúng tôi rất lo ngại là chất lượng thực thi ở cấp cơ sở đang có xu hướng khó khăn hơn. Chẳng hạn như, địa phương có sáng kiến hay nhưng không được cấp cơ sở triển khai thực hiện; cấp tỉnh có chính sách tốt nhưng lại không được triển khai ở cấp huyện. Rõ ràng, đang không có sự đồng đều của hệ thống hành chính thực thi ở cấp sở, ngành, quận huyện.
TTHC về đất đai vẫn là một điểm nghẽn lớn. Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết phải trì hoãn, hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp trở ngại về TTHC hiện lên đến 42,9%.
Với lễ công bố PCI lần này, chúng tôi cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện tại, vai trò của chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp địa phương lại càng quan trọng. Trong khi doanh nghiệp phải đối mặt với thị trường với vô vàn thách thức thì hỗ trợ từ phía chính quyền sẽ giúp doanh nghiệp giảm được đáng kể chi phí trong thực hiện TTHC. Địa phương có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tồn tại, hỗ trợ tiếp cận mặt bằng kinh doanh hay là hỗ trợ trong việc chắp mối, tiếp cận tín dụng tốt hơn.
Hơn hết, chính quyền địa phương cần đặc biệt giám sát bộ máy thực thi sao cho không cản trở, phiền hà, lạm dụng, sách nhiễu và giảm được các hoạt động thanh tra, kiểm tra không cần thiết… Càng vào những thời điểm khó khăn thì mới cần sự tham gia của chính quyền nhiều hơn. Theo đó, thông điệp của PCI năm nay, chúng tôi nhấn mạnh sự quan trọng của tính năng động, sáng tạo, sự hỗ trợ của chính quyền với doanh nghiệp.
Vẫn có doanh nghiệp phản ánh với tôi rằng, đâu đó còn sự chờ đợi, trễ nải, ngần ngừ trong giải quyết TTHC, thận trọng quá mức trong giải quyết các vấn đề mới từ thực tiễn. Tuy nhiên, tôi mong các lãnh đạo tỉnh ý thức được, bối cảnh hiện tại yêu cầu mỗi địa phương phải đảo ngược lại tâm thế, phải hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn.
Doanh nghiệp là chủ thể thúc đẩy sự tăng trưởng, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp ngân sách. Sự thịnh vượng, sự phát triển của địa phương phụ thuộc vào doanh nghiệp. Chính bởi vậy, bìa báo cáo và chủ đề của lễ công bố PCI năm nay là một bức tranh của họa sĩ Việt Nam có tên là Hy vọng. Chúng tôi hy vọng có sự vào cuộc nhanh chóng và tích cực của các cấp chính quyền để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua được một năm khó khăn
Tác giả: Ông Đậu Anh Tuấn là Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!