Chủ tịch Quảng Ninh: 5 năm dẫn đầu PCI, không áp lực nhưng nhiều trăn trở

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Điều khiến ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND Quảng Ninh - trăn trở đó là làm sao cải thiện được môi trường kinh doanh, giữ vững niềm tin doanh nghiệp, duy trì thứ hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 vừa được công bố sáng nay (27/4) tiếp tục gọi tên Quảng Ninh với vị trí quán quân.

Ở vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng, Quảng Ninh đạt 73,02 điểm trên thang điểm 100 được tính từ tổng điểm 10 chỉ số thành phần. Đây là lần thứ 5 liên tiếp địa phương này dẫn đầu toàn quốc về điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Cũng trong năm nay, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất được xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế "rất tốt". Đây cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về quản trị dịch bệnh cao nhất cả nước.

Chủ tịch Quảng Ninh: 5 năm dẫn đầu PCI, không áp lực nhưng nhiều trăn trở - 1

Ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: QN)

Trao đổi với Dân trí ngay sau lễ công bố, ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - nói, để giữ được 5 năm liên tiếp dẫn đầu PCI, tỉnh đã có hệ thống giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp. Mục tiêu của Quảng Ninh là xây dựng chính quyền kiến tạo, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo cho sự phục vụ.

"Với 5 năm thành công như vậy, điều chúng tôi luôn suy nghĩ là Quảng Ninh không hài lòng, thỏa mãn với chính bản thân mình. Chúng tôi được kế thừa những thành công tốt đẹp nhiều thế hệ và đến thế hệ chúng tôi bây giờ", ông Văn nói.

Tuy vậy, việc được ghi nhận của là áp lực không nhỏ đối với lãnh đạo tỉnh này khi địa phương dẫn đầu nhiều năm liền. Song Chủ tịch Quảng Ninh cho biết: "Chúng tôi không nói về áp lực, điều mà chúng tôi nghĩ, nói với nhau về những trăn trở để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giữ vững niềm tin doanh nghiệp, duy trì thứ hạng, đưa Quảng Ninh ngày càng phát triển hơn".

"Chỉ số PCI 2021 cho thấy các địa phương ngày càng đạt điểm số cao hơn, các vị trí xích gần hơn. Chúng tôi đạt được 73 điểm, 3 địa phương tiếp theo cũng đều đạt mức 70 điểm. Nhìn chung, hơn nhau rất ít. Điều đó luôn tạo cho Quảng Ninh suy nghĩ làm sao duy trì được các chỉ số để thể hiện xứng đáng ở vị trí dẫn đầu", ông nói. 

Khi được hỏi về những giải pháp cụ thể để Quảng Ninh không "rớt hạng" PCI năm sau, ông cho biết: "Chúng tôi luôn nghĩ rằng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chỉ có điểm khởi đầu mà không có kết thúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, trăn trở tìm ra giải pháp mới cách làm mới cho vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Điều mà Quảng Ninh mong muốn là làm sao có được niềm tin của doanh nghiệp".

Ông Nguyễn Tường Văn chia sẻ thêm, hai năm 2020 và 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, doanh nghiệp chịu nhiều khó khăn và chưa bao giờ doanh nghiệp cần sự hỗ trợ và đồng hành của địa phương đến như vậy.

"Doanh nghiệp cần nhất sự đồng hành của chính quyền, cần chính quyền giải quyết những ách tắc trong thủ tục hành chính. Với Quảng Ninh, bí quyết rất đơn giản, đó là đổi mới tư duy, bám sát thực tiễn, tìm ra điểm nghẽn, giải quyết vướng mắc giải quyết doanh nghiệp", Chủ tịch Quảng Ninh chia sẻ.

Thứ hai, theo lãnh đạo Quảng Ninh, cái gì muốn quản lý, kiểm soát thì phải đo lường được. Do vậy cùng với PCI, Quảng Ninh cũng xây dựng Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDCI) của tỉnh. Thông qua hệ thống các chỉ số này, ông Văn cho biết, Quảng Ninh đã kiểm soát tốt việc điều hành cấp huyện, từ đó nâng lên quản lý điều hành tốt hơn cấp tỉnh, đảm bảo sự cạnh tranh, sự phấn đấu vươn lên của Quảng Ninh so với các địa phương khác.

Chủ tịch Quảng Ninh: 5 năm dẫn đầu PCI, không áp lực nhưng nhiều trăn trở - 2

Bản đồ PCI 2021 (Ảnh: VCCI).

Với chi phí "bôi trơn" - một trong những vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm, ông Văn cho biết đây là chỉ số mà Quảng Ninh nỗ lực rất nhiều để giảm dần qua các năm. Theo thống kê, điểm số cho chỉ số chi phí không chính thức tại Quảng Ninh được chấm ngày một cao lên, nếu năm 2017 là 5,79 điểm thì năm 2021, con số này là 7,85 điểm.

"Giảm bôi trơn thì cần tính minh bạch. Chúng tôi đạt được cấp độ dịch vụ công trực tuyến cấp 4. Chúng tôi xác định đây là giải pháp trọng tâm để giảm tiếp xúc trực tiếp giữa bộ máy công quyền với người dân, doanh nghiệp. Qua đó giảm chi phí không chính thức. Chuyển đổi số là vấn đề được Chính phủ rất quan tâm. Quảng Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết số 09 để triển khai nội dung này", Chủ tịch Nguyễn Tường Văn cho biết.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng xây dựng các kế hoạch triển khai, với các chỉ tiêu rất cụ thể cho giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn 2045 với kỳ vọng những nỗ lực từ cấp cao nhất của tỉnh, các mục tiêu chuyển đổi số sẽ đạt được kết quả tốt nhất.

Báo cáo PCI 2021 được xây dựng dựa trên khảo sát gần 11.312 doanh nghiệp (hơn 10.127 doanh nghiệp tư nhân và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI). PCI 2021 được khảo sát trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, khó khăn chưa từng có. Một điểm tích cực là qua khảo sát cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. 

Top 10 bảng xếp hạng năm nay là Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội.

Trong khi đó, các địa phương phía cuối bảng xếp hạng PCI năm nay là Cao Bằng (63), Hòa Bình (62), Kon Tum (61), Kiên Giang (60), Hà Giang (59), Ninh Bình (58), Quảng Bình (57), Lai Châu (56), Bạc Liêu (55), Sóc Trăng (54).