PCI 2022: "Chi phí lót tay" giảm, tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn

Quỳnh Ngọc

(Dân trí) - Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI 2022), tình trạng trả chi phí không chính thức đã giảm đáng kể. Trong khi đó, tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn.

Chi phí chính thức giảm, nhưng tình trạng nhũng nhiễu tăng

Theo báo cáo PCI 2022 mới được công bố, nếu như năm 2016, kết quả khảo sát PCI cho thấy khoảng 66% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức thì đến năm 2022 con số này ở mức 42,6%, giảm hơn 23 điểm phần trăm.

Quy mô của khoản chi chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể trong cùng kỳ. Nếu trong năm 2016, 9,1% doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu cho chi phí không chính thức, thì năm 2022 giá trị này chỉ còn khoảng 3,8% doanh nghiệp.

Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng "chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được" đạt gần 89%, mức cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.

PCI 2022: Chi phí lót tay giảm, tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn - 1

Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022 (Ảnh: VCCI).

Mức độ phổ biến của chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực cụ thể cũng tiếp tục xu hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra đã giảm đáng kể, từ 20,9% năm 2021 xuống còn 14% năm 2022.

Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "việc chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu" cũng giảm nhẹ từ mức 36,8% năm 2021 còn 36,3% trong năm 2022.

Tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại tình trạng "chạy án" nên không đưa vụ việc tranh chấp ra tòa án cũng giảm hơn 5,3 điểm phần trăm từ mức 21,4% năm 2021 xuống 16,1% vào năm 2022.

Tuy nhiên, theo báo cáo, một dấu hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến" lại tăng đáng kể trong năm 2022 lên mức 71,7% (so với mức 57,4% năm 2021). Báo cáo cho rằng, hiện tượng này cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Chi phí không chính thức là một trong 3 chỉ số thành phần có trọng số lớn nhất trong bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chiếm 30,4%. Ở chỉ số này, Bắc Giang và Bến Tre có số điểm cao nhất, với 8 điểm. Tiếp đó là Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng tàu đồng hạng 7,8 điểm; Long An, Quảng Ninh, Hưng Yên, Lạng Sơn cũng đều được 7,7 điểm; Lâm Đồng 7,6 điểm và Trà Vinh đạt 7,5 điểm.

Điểm nghẽn tiếp cận đất đai

Tiếp cận đất đai dễ dàng là một trong những điều kiện tiên quyết để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả khảo sát PCI 2022 cho thấy, các chỉ tiêu đo lường khía cạnh tiếp cận đất đai nhìn chung chưa có cải thiện đáng kể. Tình trạng phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai còn phổ biến.

Cụ thể, khoảng 42,9% doanh nghiệp cho biết với thủ tục đất đai khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2022. Dù kết quả này tích cực hơn so với năm 2021 (53,8%) song tác động tiêu cực của nó lại cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực thủ tục quan trọng khác.

Theo khảo sát, thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với quy định là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải nhất (60,81%).

Ngoài ra, những vướng mắc phổ biến khác gồm tình trạng mất nhiều thời gian để xác định giá trị quyền sử dụng đất (30,02%), quy trình giải quyết hồ sơ đất đai không đúng so với quy định (29,31%), không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ cán bộ giải quyết thủ tục hành chính (29,15%), và giá đất không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định (14,73%).

Những con số trên cho thấy doanh nghiệp vẫn gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận đất đai. Mà đất đai thường là một loại tài sản thế chấp quan trọng trong các thỏa thuận tiếp cận tín dụng, do đó, việc dễ dàng tiếp cận đất đai hơn đồng nghĩa khả năng tiếp cận tín dụng sẽ dễ dàng hơn.

Khi doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ hơn, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngược lại, nếu tình trạng doanh nghiệp gặp trở ngại với tiếp cận đất đai như hiện nay còn tiếp diễn thì sẽ hạn chế rất nhiều tiềm năng phát triển lâu dài của các doanh nghiệp.

Báo cáo kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ gỡ bỏ nhiều nút thắt về thể chế và khung khổ pháp luật, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.